Tìm kiếm
Close this search box.

05 Tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu

Khả năng bảo hộ nhãn hiệu được đánh giá dựa trên mẫu nhãn hiệu và sản phẩm, dịch vụ đăng ký. Việc đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu là công việc của thẩm định viên Cục Sở hữu trí tuệ làm trong giai đoạn thẩm định nội dung của nhãn hiệu đăng ký. Đây cũng là bước mà người nộp đơn có thể làm trước khi nộp đơn để giảm rủi ro bị từ chối bảo hộ nhãn hiệu bằng cách tra cứu nhãn hiệu trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ. 

Đâu là các tiêu chí đánh giá chính xác nhất đối với một nhãn hiệu?

tieu chi danh gia kha nang phan biet cua nhan hieu 1 1
05 Tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu 3

Việc đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu, nói cách khác là đánh giá tính tương tự của nhãn hiệu đăng ký với đối chứng có trước sẽ được xem xét trên tất cả các phương diện sau:

  • Âm tiết;
  • Ngữ nghĩa;
  • Kết cấu của từ;
  • Cách thể hiện hình hoạ;
  • Ấn tượng thương mại (ấn tượng đối với người tiêu dùng trong quá trình thương mại).

Nếu một nhãn hiệu có dấu hiệu tương tự với đối chứng, dù chỉ trên 1 yếu tố nêu trên cũng đủ có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và có khả năng bị từ chối bảo hộ cao.

1. Đánh giá khả năng bảo hộ qua mẫu nhãn hiệu

1.1. Dấu hiệu tương tự nhau

tieu chi danh gia kha nang bao ho nhan hieu 2
05 Tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu 4

– Hai dấu hiệu tương tự nhau khi chúng chứa phần hình và phần chữ tương ứng tương tự nhau, hoặc chúng tạo thành một tổng thể tương tự với nhau.

– Trong trường hợp hai dấu hiệu chứa phần hình và phần chữ ít nhiều tương tự nhau, phần còn lại có khả năng phân biệt cao, thì xét về tổng thể, hai dấu hiệu có khả năng phân biệt với nhau.

Lưu ý: Trong một dấu hiệu kết hợp thì phần từ ngữ thường đóng vai trò quan trọng hơn phần hình về khả năng phân biệt; phần chữ có ưu thế hơn phần hình ở chỗ ngoài khả năng nhìn thấy thì nó còn giúp người tiêu dùng nghe được và đọc được.

1.2. Xem xét khả năng trùng hoặc tương tự của nhãn hiệu đăng ký với tất cả các đối chứng

Các bước tiến hành để xem xét khả năng trùng hoặc tương tự sẽ được thực hiện cụ thể như sau:

Dấu hiệu chữ với – …

  • Các dấu hiệu chữ (về kết cấu từ, phát âm, nghĩa, trình bày mỹ thuật);
  • Các dấu hiệu hình (về trình bày mỹ thuật, ý nghĩa);
  • Các dấu hiệu kết hợp (về kết cấu từ, phát âm, nghĩa, ý nghĩa, trình bày mỹ thuật).

Dấu hiệu hình với – …

  • Các dấu hiệu hình;
  • Các dấu hiệu chữ (về trình bày mỹ thuật, về nghĩa);
  • Các dấu hiệu kết hợp (về trình bày mỹ thuật, nghĩa, ý nghĩa).

Dấu hiệu kết hợp với – …

  • Các dấu hiệu chữ (về kết cấu từ, phát âm, nghĩa, ý nghĩa, trình bày mỹ thuật);
  • Các dấu hiệu hình (về trình bày mỹ thuật, nghĩa)
  • Các dấu hiệu kết hợp (về kết cấu từ, phát âm, nghĩa, ý nghĩa, trình bày mỹ thuật. 

1.3. Dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu nổi tiếng có khả năng phân biệt cao, được bảo hộ ở mức độ cao nhất. Nếu nhãn hiệu đăng ký có dấu hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng sẽ bị từ chối bảo hộ vì sự tương tự đó thường gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, Việt Nam chưa có nhãn hiệu nổi tiếng. 

Đọc thêm tại: https://dangquynh.com/cap-nhat-nhan-hieu-noi-tieng-tai-viet-nam-nam-2023/ 

1.4. Loại bỏ dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn

Một nhãn hiệu chứa phần hình hoặc phần chữ tương tự gây nhầm lẫn với một dấu hiệu hình hay một dấu hiệu chữ đang được bảo hộ hoặc dấu hiệu có ngày nộp đơn/ngày ưu tiên sớm hơn thì nhãn hiệu chỉ được coi là có khả năng phân biệt sau khi loại bỏ phần tương tự gây nhầm lẫn đó. 

hai thời điểm mà bạn có thể loại bỏ dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn ra khỏi mẫu nhãn hiệu:

  • Sau khi tra cứu nhãn hiệu trên Cơ sở dữ liệu của Cục SHTT. Nếu phát hiện có nhãn hiệu đối chứng thì chủ sở hữu nhãn hiệu chủ động sửa đổi, thiết kế lại nhãn hiệu trước khi quyết định nộp đơn.
  • Sau khi có kết quả thẩm định nội dung, Cục SHTT sẽ có thông báo dự định từ chối bảo hộ nhãn hiệu vì lý do trùng, tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc đăng ký trước đó. Nếu bạn muốn theo đuổi đơn thì hãy làm Công văn phúc đáp phản hồi lại thông báo của Cục, nếu không đồng ý hãy đưa ra quan điểm lập luận và dẫn chứng; nếu đồng ý hãy điều chỉnh bằng cách bỏ đi phần dấu hiệu trùng, tương tự ra khỏi nhãn hiệu đăng ký và gửi lại mẫu cho Cục SHTT. 

Lưu ý: người nộp đơn chỉ được phép loại bỏ phần dấu hiệu trùng hoặc tương tự, giữ nguyên những phần còn lại. Không được phép điều chỉnh nhãn hiệu khác đi so với mẫu ban đầu, hoặc thêm dấu hiệu mới vào nhãn hiệu đăng ký.

2. Đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu qua tính tương tự của sản phẩm, dịch vụ

Hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ được coi là trùng khi hai sản phẩm hoặc hai dịch vụ đó thuộc cùng chủng loại (Thuỷ hải sản, nuôi trồng thuỷ hải sản, dịch vụ mua bán cá, tôm, mực,…; dịch vụ nhà hàng ăn uống, dịch vụ cửa hàng giải khát,…)

Xem Bảng phân loại hàng hoá/dịch vụ theo Thoả ước Nice tại: https://ipvietnam.gov.vn/documents/20182/1425331/%28IPVIETNAM+PORTAL%29+NICE+CLASS+version+12-2023.pdf/fbcb4fc5-487e-468c-a291-63450e79254d 

2.1. Tiêu chí đánh giá tính tương tự của hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ

– Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo…) hoặc cùng chứng năng, mục đích sử dụng (quần áo giày, dép, mỹ phẩm, kem bôi dùng để trang điểm,…)

– Có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng (mì, miến; bia, rượu; vải, áo sơ mi; gạch, ngói;…)

– Tương tự nhau về bản chất (cacao, sô cô la, cà phê, bánh, mứt, kẹo,…)

– Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng (dịch vụ mua bán mỹ phẩm, dịch vụ thẩm mỹ viện,…)

– Được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau, hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng,…) (nước mắm, nước tương, muối; hương thắp, giấy vàng, vàng mã; chăn, gối, đệm…) hoặc được dùng cùng nhau (kem đánh răng, bàn chải đánh răng).

2.2. Sản phẩm và dịch vụ tương tự nhau

– Giữa chúng có mối liên hệ với nhau về bản chất (sản phẩm, dịch vụ hoặc nguyên liệu, bộ phận của sản phẩm, dịch vụ này được cấu thành từ sản phẩm, dịch vụ kia) (xe máy, dịch vụ lắp ráp xe máy; quần áo, dịch vụ may đo,…)

– Giữa chúng có mối liên hệ với nhau về chức năng (để hoàn thành chức năng của sản phẩm, dịch vụ này phải được sử dụng sản phẩm, dịch vụ kia hoặc chúng thường được sử dụng cùng nhau) (dược phẩm, mua bán dược phẩm; vàng bạc, mua bán vàng bạc,…)

– Giữa chúng có mối liên hệ với nhau về phương thức thực hiện (sản phẩm, dịch vụ này là kết quả của việc sử dụng, khai thác sản phẩm, dịch vụ kia) (phần mềm máy tính, thiết kế phần mềm máy tính; điện thoại, dịch vụ bưu chính viễn thông;…)

3. Tổng kết

Khả năng bảo hộ nhãn hiệu được đánh giá dựa trên các tiêu chí mẫu nhãn hiệu và sản phẩm, dịch vụ đi liền với nhãn hiệu đó. Một nhãn hiệu sẽ có khả năng bảo hộ nếu có khả năng phân biệt với nhãn hiệu đối chứng và khả năng phân biệt cho người tiêu dùng trong việc mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ.

Việc đánh giá sự sáng tạo, khả năng phân biệt và những dấu hiệu có thể trùng hoặc tương tự của nhãn hiệu sẽ giúp bạn đánh giá khả năng thành công trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục SHTT và đưa ra phương án phù hợp trước khi quyết định nộp đơn. 

Mình hỗ trợ tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký, nếu bạn có nhu cầu, hãy liên hệ mình nhé!

Đọc thêm: https://dangquynh.com/huong-dan-tra-cuu-nhan-hieu-tren-wipo-publish/ 

HI, MÌNH LÀ ĐẶNG QUỲNH

Hiện tại, mình đang làm việc tại công ty Luật AGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mình rất hứng thú để viết về các chủ đề pháp lý cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống đến các bạn. Trong những năm đại học, mình đã tham gia viết tạp chí, tiểu luận, nghiên cứu khoa học, điều đó rất tuyệt. Và mình sẽ tiếp tục phát triển để đem đến giá trị cho bạn đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *