Tìm kiếm
Close this search box.

Cập nhật nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam năm 2023

1. Định nghĩa “Nhãn hiệu nổi tiếng”

Khoản 20 Điều 4 Luật SHTT định nghĩa “Nhãn hiệu nổi tiếng” là người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nhãn hiệu nổi tiếng có cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không?

Câu trả lời là không. Một nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được xác lập quyền sở hữu dựa trên cơ sở sử dụng. Và nhãn hiệu đó sẽ mặc định được bảo hộ quyền sở hữu trên toàn bộ 45 nhóm/dịch vụ trong Bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ Nixo.

Xem thêm Bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ Nixo phiên bản 12-2023 (áp dụng từ 01/01/2023) tại: https://ipvietnam.gov.vn/documents/20182/1425331/%28IPVIETNAM+PORTAL%29+NICE+CLASS+version+12-2023.pdf/fbcb4fc5-487e-468c-a291-63450e79254d 

Bất kỳ một nhãn hiệu nào được đăng ký tại Cục Sở Hữu trí tuệ có dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc sử dụng nhãn hiệu đó có thể gây ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu thì sẽ bị từ chối bảo hộ theo Sở hữu trí tuệ.

Trường hợp sử dụng nhãn hiệu trong thực tế gây thiệt hại đến nhãn hiệu nổi tiếng thì hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính, xử lý vi phạm dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Lợi ích của một nhãn hiệu nổi tiếng là vô cùng lớn, tuy nhiên cụ thể như thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng và làm cách nào để được công nhận là một nhãn hiệu nổi tiếng thì hiện nay đây còn là một khái niệm rất chung chung và thực tế chưa có bất kỳ một nhãn hiệu nào tại Việt Nam được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, kể cả Vinamilk, Viettel, Vinhomes, Masan,…

nhan hieu noi tieng theo luat shtt 2005 sua doi 2019 1
Cập nhật nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam năm 2023 2

2. Tiêu chí đánh giá “Nhãn hiệu nổi tiếng”

Điều 75 của Luật SHTT đưa ra các tiêu chí đánh giá, xem xét một nhãn hiệu là nổi tiếng, bao gồm:

  1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo; 
  2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
  3. Doanh số từ từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
  4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
  5. Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
  7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
  8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

3. Cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Như đã đề cập ở trên, một nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được xác lập quyền sở hữu dựa trên cơ sở sử dụng. Có nghĩa nhãn hiệu không cần xác lập quyền sở hữu trên cơ sở thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Chỉ cần chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ cần tổng hợp tài liệu chứng minh quyền sở hữu đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT thì sẽ được Cục SHTT đánh giá là nhãn hiệu nổi tiếng. Đây là một cơ chế bảo hộ thụ động.

Lý do tại sao không đưa ra điều kiện xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng bằng cách đăng ký bảo hộ?

WIPO đã đưa ra lý do rằng việc một nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ bằng cách đăng ký là điều không hợp lý. Bởi việc đăng ký sẽ tạo ra một nhãn hiệu bất biến, chủ sở hữu không được thay đổi mẫu nhãn hay sản phẩm/ dịch vụ đăng ký gắn liền với nó, điều này sẽ đi ngược lại với nguyên tắc sử dụng liên tục của nhãn hiệu nổi tiếng. Hiểu một cách khác, bản chất của bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là bảo hộ cho trạng thái trở nên nổi tiếng của nhãn hiệu chứ không đơn thuần là bảo hộ một loại nhãn hiệu. 

Cơ chế bảo hộ nêu trên phù hợp với các tiêu chí đặt ra trong Công ước Paris 1883 và Hiệp định TRIPs 1994. 

Vì vậy, để nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu đó cần được sử dụng liên tục và duy trì sự nổi tiếng trong suốt quá trình đó.

4. Cơ quan có thẩm quyền ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng

Theo Luật SHTT Việt Nam, nhãn hiệu nổi tiếng được xem xét, ghi nhận bởi Cục SHTT hoặc thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án. Dù chủ sở hữu nhãn hiệu lựa chọn cách thức nào thì Cục SHTT cũng là cơ quan chuyên ngành sẽ xem xét nhãn hiệu có đủ điều kiện quy định tại Điều 75 Luật SHTT hay không. Và ghi nhận vào danh mục nhãn hiệu nổi tiếng tại Cục SHTT. Như vậy, chỉ có Cục SHTT và Tòa án là hai cơ quan có thẩm quyền công nhận tại Việt Nam hiện nay. 

5. Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Đối với một nhãn hiệu đăng ký thông thường và được bảo hộ, thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu là 10 năm và chủ sở hữu có trách nhiệm gia hạn 10 năm/ 1 lần, và gia hạn nhiều lần. Nhưng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, thời hạn bảo hộ là vô thời hạn, tính từ ngày nhãn hiệu được ghi nhận là nhãn hiệu nổi tiếng trong quyết định công nhận của Cục SHTT. 

6. Tổng kết

Nhãn hiệu nổi tiếng đem lại lợi thế rất lớn cả về mặc bảo hộ và thương hiệu trong thị trường. Tuy nhiên để nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì đây còn là vấn đề khó thực hiện trong thực tế. Và hiện nay, Việt Nam chưa có nhãn hiệu nổi tiếng. Nhãn hiệu là một sản phẩm trí tuệ cần được bảo hộ, do đó, nếu bạn đang sản xuất, kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào, có đang sử dụng hình ảnh, biểu tượng thương hiệu như logo thì hãy sớm đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT nhé! 

Hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu: https://dangquynh.com/thu-tuc-dang-ky-nhan-hieu-tai-cuc-so-huu-tri-tue/

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2019): https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Luat-So-huu-tri-tue-2005-50-2005-QH11-7022.aspx

HI, MÌNH LÀ ĐẶNG QUỲNH

Hiện tại, mình đang làm việc tại công ty Luật AGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mình rất hứng thú để viết về các chủ đề pháp lý cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống đến các bạn. Trong những năm đại học, mình đã tham gia viết tạp chí, tiểu luận, nghiên cứu khoa học, điều đó rất tuyệt. Và mình sẽ tiếp tục phát triển để đem đến giá trị cho bạn đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *