Tìm kiếm
Close this search box.

Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài năm 2023

Hiện nay, trong một thế giới mở rộng với sự gắn kết của các quốc gia với nhau đã một phần lớn tạo điều kiện thúc đẩy cơ hội để một người nước ngoài được gặp, hẹn hò và hướng tới kết hôn với người Việt Nam và ngược lại. Bài viết xin được chia sẻ đến các bạn thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài theo pháp luật Việt Nam mới nhất.

1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Các bên không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có giấy tờ cho phép cư trú do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình, bao gồm:

+ Kết hôn giả tạo;

+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người đang có chồng, có vợ;

+ Kết hôn giữa những người cùng dùng máu trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời: giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Lưu ý rằng nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, điều kiện kết hôn về cơ bản là giống với kết hôn bình thường giữa hai người cùng quốc tịch Việt Nam. Sự khác biệt là nếu người nước ngoài muốn kết hôn với người Việt Nam thì cần có giấy tờ cho phép cư trú do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp. Điều này cho thấy pháp luật Việt Nam đang tạo điều kiện thoáng cho các trường hợp kết hôn với người nước ngoài. 

Đọc thêm: https://dangquynh.com/thu-tuc-dang-ky-ket-hon-moi-nhat-2022/

2. Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài

thu tuc dang ky ket hon voi nguoi nuoc ngoai 2023 1
thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài năm 2023

Người có yêu cầu đăng ký kết hôn có thể lựa chọn một trong hai cách thức nộp hồ sơ: nộp hồ sơ trực tiếp và nộp hồ sơ trực tuyến.

2.1. Nộp hồ sơ trực tiếp

– Người có yêu cầu đăng ký kết hôn nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại Bộ phận một cửa. Trung tâm hành chính công của UBND cấp huyện có thẩm quyền, nộp lệ phí nếu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí đăng ký kết hôn.

2.2. Nộp hồ sơ trực tuyến

Người có yêu cầu đăng ký kết hôn truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, đăng ký tài khoản (nếu chưa có tài khoản), xác thực người dùng theo hướng dẫn, đăng nhập vào hệ thống, xác định đúng Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền. 

Người có yêu cầu đăng ký kết hôn trực tuyến cần cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác đăng ký kết hôn (mẫu này được cung cấp trên Công dịch vụ công), đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật, hoàn tất việc nộp hồ sơ. 

2.3. Trách nhiệm thực hiện của cơ quan nhà nước

– Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ.

(1) Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, có phiếu hẹn và trả kết quả cho người có yêu cầu (nếu người có yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc gửi ngay phiếu hẹn, trả kết quả qua thư điện tử hoặc gửi tin nhắn hẹn trả kết quả qua điện thoại di động cho người có yêu cầu (nếu người có yêu cầu nộp hồ sơ trực tuyến), chuyển hồ sơ để công chức làm công tác hộ tịch xử lý.

– Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa thực hiện số hóa (sao chụp, chuyển thành tài liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu) và ký số vào tài liệu, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo quy định.

(2) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có thông báo cho người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Sau khi hồ sơ được bổ sung, thực hiện lại bước (1).

(3) Trường hợp người có yêu cầu đăng ký kết hôn không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có thông báo từ chối giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn.

– Công chức làm công tác hộ tịch thẩm tra hồ sơ (thẩm tra tính thống nhất, hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu nộp, xuất trình).

+ Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện để giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo tình trạng hồ sơ về bộ phận một cửa. Bộ phận một cửa có trách nhiệm thông báo cho người nộp hồ sơ thực hiện lại bước (2) hoặc (3).

+ Trường hợp cần kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả đúng thời gian hẹn thì công chức làm công tác hộ tịch lập Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả, trong đó nêu rõ lý do chậm trả kết quả và thời gian hẹn trả kết quả, chuyển bộ phận một cửa để trả cho người có yêu cầu (nếu người có yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp), hoặc gửi phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả qua thư điện tử hoặc gửi tin nhắn qua điện thoại di động cho người có yêu cầu (nếu người có yêu cầu nộp hồ sơ trực tuyến).

Chú ý rằng, nếu có trường hợp khiếu nại, tố cáo việc kết hôn không đủ điều kiện đã được liệt kê tại mục 1 hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của bên nam, bên nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, công chứng làm công tác hộ tịch báo cáo Trưởng phòng Tư pháp để phối hợp với cơ quan có liên quan xác minh làm rõ. Trong quá trình thẩm tra, xác minh hồ sơ, nếu thấy cần thiết thì làm việc trực tiếp với các bên để làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn.

+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, các bên đủ điều kiện kết hôn thì công chức làm công tác hộ tịch thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký kết hôn, cập nhật thông tin đăng ký kết hôn trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung và lưu chính thức.

+ Trường hợp người yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký kết hôn trực tuyến, công chức làm công tác hộ tịch gửi lại biểu mẫu Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn điện tử với thông tin đầy đủ cho người yêu cầu qua thư điện tử hoặc thiết bị số.

Người yêu cầu có trách nhiệm kiểm tra lại thông tin xem đã chính xác, đầy đủ trên biểu mẫu Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn điện tử và xác nhận, thời hạn tối đa một ngày.

Nếu người yêu cầu xác nhận thông tin đã đầy đủ, thống nhất hoặc không có phản hồi trong thời gian quy định thì công chức làm công tác hộ tịch thực hiện công việc tương tự như nộp đơn trực tiếp.

2.4. Nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

– Công chức làm công tác hộ tịch in Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn trình lãnh đạo UBND ký, chuyển tới Bộ phận một cửa để trả kết quả cho người có yêu cầu.

– Hai bên nam nữ đăng ký kết hôn cần có mặt, xuất trình giấy tờ tùy thân để đối chiếu, kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, trong sổ đăng ký kết hôn, khẳng định sự tự nguyện kết hôn và ký tên vào sổ đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận kết hôn. Mỗi bên nam, nữ nhận 01 bản chính giấy chứng nhận kết hôn.

Trong trường hợp một hoặc hai bên nam, nữ không có mặt để nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, công chức làm công tác báo cáo trưởng phòng tư pháp thực hiện gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày chủ tịch UBND cấp huyện ký giấy chứng nhận kết hôn. Nếu quá thời gian quy định thì Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đó sẽ bị hủy. 

3. Cách thức thực hiện

3.1. Nộp hồ sơ trực tiếp

– Thời hạn giải quyết: 15 ngày

– Lệ phí: Mức lệ phí cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Miễn lệ phí cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.

3.2. Nộp hồ sơ trực tuyến

– Thời hạn giải quyết: 15 ngày

– lệ phí: Tương tự như nộp hồ sơ trực tiếp.

Lưu ý: Bên nam hoặc bên nữ có thể nộp hồ sơ mà không cần có văn bản ủy quyền của bên còn lại.

4. Thành phần hồ sơ

Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài bao gồm:

– 01 Bản chính Tờ khai đăng ký kết hôn (Nếu người có yêu cầu lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp thì hai bên nam, nữ có thể khai chung một tờ khai)

– 01 Bản chính biểu mẫu điện tử tương tác đăng ký kết hôn (Nếu lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến)

– Người có yêu cầu đăng ký kết hôn thực hiện việc nộp/xuất trình (theo hình thức trực tiếp) hoặc tải lên (theo hình thức trực tuyến) các giấy tờ sau:

Giấy tờ phải nộp

+ 01 Bản chính giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận các bên kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

+ 01 Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp, còn giá trị sử dụng, xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng. Trường hợp người nước ngoài không cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì sử dụng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó. 

(Giấy xác nhận của tổ chức y tế và giấy tờ xác nhận có đủ điều kiện kết hôn phải còn hạn, trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cấp)

+ Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nộp bản sao hộ chiếu/ giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu.

+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam định cư trong nước.

Ngoài các giấy tờ trên, tùy trường hợp mà bên nam, nữ phải nộp giấy tờ tương ứng sau:
+ Công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn trái pháp luật (Trích lục ghi chú ly hôn).

+ Công dân Việt Nam là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.

+ Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

Giấy tờ phải xuất trình

Giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của công dân Việt Nam.

Người nước ngoài xuất trình bản chính hộ chiếu để chứng minh về nhân thân; trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.

Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn.

5. Cơ quan thực hiện 

Phòng Tư Pháp

6. Tổng kết

Đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài trở nên phổ biến và được pháp luật tạo điều kiện thực hiện dễ dàng mà không còn trở ngại về địa lý hay quốc tịch. Nếu như bạn chuẩn bị hồ sơ và nắm thủ tục đầy đủ thì chỉ trong 15 ngày đổ lại, bạn và người ấy hoàn toàn có thể trở thành vợ chồng hợp pháp về mặt pháp luật tại Việt Nam. Bài viết đã chia sẻ chi tiết các nội dung cần thiết về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài theo luật hiện hành, nếu luật Việt Nam có sửa đổi nội dung nào trong những năm tới thì bài viết sẽ cập nhật cho bạn. 

tham khảo chi tiết: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-hanh-chinh.html?ma_thu_tuc=2.000806

HI, MÌNH LÀ ĐẶNG QUỲNH

Hiện tại, mình đang làm việc tại công ty Luật AGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mình rất hứng thú để viết về các chủ đề pháp lý cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống đến các bạn. Trong những năm đại học, mình đã tham gia viết tạp chí, tiểu luận, nghiên cứu khoa học, điều đó rất tuyệt. Và mình sẽ tiếp tục phát triển để đem đến giá trị cho bạn đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *