Xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng theo Luật Hôn nhân gia đình 2014

Tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng được xác định vào thời điểm xác lập quyền tài sản và nhiều yếu tố liên quan. Bài viết chia sẽ đến bạn cách xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các văn bản hướng dẫn hiện nay.

1. Nguyên tắc chung chế độ tài sản của vợ chồng

Theo Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có 3 nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, bao gồm:

  • Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
  • Vợ chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
  • Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và những người khác thì phải bồi thường.

Quyền của vợ và chồng đối với tài sản chung hay không đều cần được thực hiện dựa trên trách nhiệm và nghĩa vụ, bởi điều này giúp duy trì, đảm bảo sự bền vững trong gia đình, và góp phần giúp vợ chồng đạt được mục đích kết hôn.

Mục 2 sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn “tài sản chung” là gì?

2. Tài sản chung của vợ chồng

xac dinh tai san chung va tai san rieng cua vo chong trong hon nhan 1
Xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng theo Luật Hôn nhân gia đình 2014 3

Tài sản chung của vợ chồng gồm:

  • Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng;
  • Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (Trừ trường hợp sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng thoả thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung);
  • Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung;
  • Tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung;
  • Quyền sử dụng đất của vợ, chồng có được sau khi kết hôn (Trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có thông qua giao dịch bằng tài sản riêng);
  • Trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của của mỗi bên.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Vấn đề đặt ra: Có cần đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung hay không?

Căn cứ Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

“Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác.”

Đối với tài sản là quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng cần ghi cả tên chồng và tên vợ. Đây sẽ là một căn cứ pháp lý quan trọng để xác định tài sản chung của vợ chồng khi có tranh chấp.

Tuy nhiên, trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì trường hợp này sẽ thuộc Điều 24, 25 và 26 Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu có tranh chấp về tài sản đó thì sẽ được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33, cụ thể:

“Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

3. Tài sản riêng của vợ chồng

xac dinh tai san chung va tai san rieng cua vo chong trong hon nhan 2
Xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng theo Luật Hôn nhân gia đình 2014 4

Tài sản riêng của vợ chồng gồm:

  • Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
  • Tài sản được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng;
  • Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;
  • Tài sản khác mà quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Lưu ý:

  • Tài sản được hình thành từ tài sản riêng cũng là tài sản riêng.
  • Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo khoản 1 Điều 33 (“Tài sản chung của vợ chồng gồm … hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng”) và khoản 1 Điều 40 (“Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác.”)

Tổng kết

Vợ và chồng cần hiểu được định nghĩa tài sản chung và tài sản riêng, những quyền và nghĩa vụ đi kèm để có những thoả thuận phù hợp với cả hai bên, điều này sẽ giúp bạn rõ ràng hơn trong vấn đề tài sản của cả hai và việc xác định rõ tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng sẽ có ý nghĩa pháp lý quan trọng khi có tranh chấp xảy ra. 

Một điều đặc biệt là quyền của bạn đối với tài sản chung hay tài sản riêng đều cần được thực hiện dựa trên trách nhiệm xây dựng, chăm lo và đảm bảo hạnh phúc gia đình, để đạt được mục đích hôn nhân của cả hai vợ chồng.

Đọc Luật Hôn nhân và gia đình tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Hon-nhan-va-gia-dinh-2014-238640.aspx

Hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất: https://dangquynh.com/thu-tuc-dang-ky-ket-hon-moi-nhat-2022/

HI, MÌNH LÀ ĐẶNG QUỲNH

Hiện tại, mình đang làm việc tại công ty Luật AGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mình rất hứng thú để viết về các chủ đề pháp lý cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống đến các bạn. Trong những năm đại học, mình đã tham gia viết tạp chí, tiểu luận, nghiên cứu khoa học, điều đó rất tuyệt. Và mình sẽ tiếp tục phát triển để đem đến giá trị cho bạn đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *