Tìm kiếm
Close this search box.

Tổng quan về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

1. Khái niệm về kiểu dáng công nghiệp

  • Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố này. (Điều 4 Luật SHTT)
  • Điểm mới theo Luật số 07/2022/QH15

Định nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.

Định nghĩa sản phẩm: Sản phẩm được hiểu là đồ vật, vật dụng, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập. (Điểm 33.2.b Thông tư 01/2002/TT-BKHCN)

2. Tại sao phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

KDCN mang lại lợi ích cho chủ sở hữu, người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung. Do đó, bảo hộ KDCN là điều cần thiết để bảo vệ lợi ích nêu trên. Có 6 lý do cơ bản để chủ sở hữu cần đăng ký bảo hộ KDCN của mình:

  • Góp phần tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, thu hút về mặt thẩm mỹ;
  • Chủ sở hữu có quyền ngăn cấm bên thứ ba sản xuất, bán hoặc nhập khẩu sản phẩm thể hiện là bản sao của kiểu dáng được bảo hộ;
  • Tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh hoạt động thương mại trung thực, khuyến khích sự sáng tạo;
  • Chủ sở hữu được hưởng lợi ích thông qua việc phát triển (khai thác) sản phẩm của họ. Bảo hộ đảm bảo cho họ cơ hội thu hồi vốn đầu tư một cách hợp lý;
  • Góp phần mở rộng các hoạt động thương mại và tăng khả năng xuất khẩu cho các sản phẩm quốc gia;
  • Bổ sung giá trị thương mại cho sản phẩm và tạo điều kiện cho việc tiếp thị và thương mại hàng hoá sản phẩm.

3. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

KDCN được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 63 Luật SHTT:

  1. Có tính mới;
  2. Có tính sáng tạo;
  3. Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Điều 90 Luật SHTT:

  1. Đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.
  2. Đáp ứng yêu cầu về tính thống nhất của đơn.

3.1. Đánh giá tính mới của Kiểu dáng công nghiệp

  • KDCN được coi là có tính mới nếu KDCN đó khác biệt đáng kể với những KDCN đã được bộc lộ/ công bố ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên.
  • KDCN có ít nhất một đặc điểm tạo dáng cơ bản không có mặt trong (không thuộc) tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của KDCN đối chứng.

(Điều 65 Luật SHTT và Điểu 35.7 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN)

  • Đặc điểm tạo dáng là yếu tố thể hiện dưới dạng đường nét, hình khối, màu sắc, tương quan vị trí hoặc tương quan kích thước để khi kết hợp với các đặc điểm (dấu hiệu) khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để tạo thành KDCN đó.
  • Đặc điểm tạo dáng cơ bản là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết, ghi nhớ, cần và đủ để xác định bản chất của KDCN và phân biệt KDCN với KDCN khác dùng cho sản phẩm cùng loại.
  • Sản phẩm cùng loại là sản phẩm có mục đích sử dụng hoặc chức năng sử dụng trùng hoặc tương tự nhau. Sản phẩm hoàn chỉnh và bộ phận lắp ráp, hợp thành sản phẩm hoàn chỉnh là các sản phẩm cùng loại.

(Điểm 33.7 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN).

NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ SỰ KHÁC BIỆT CỦA KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

  • KDCN được so sánh và đánh giá với từng KDCN đối chứng dựa vào tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của chúng để tìm ra những đặc điểm tạo dáng chung và khác biệt.
  • Các yếu tố nhất định về hình khối, đường nét, màu sắc, tương quan các vị trí/kích thước,…có thể được xem xét với tư cách là đặc điểm tạo dáng cơ bản.
  • KDCN được đánh giá một cách tổng thể (tập hợp các đặc điểm tạo dáng cấu thành KDCN, không kết luận riêng cho từng phần/bộ phận).
  • KDCN được đánh giá thông qua hình dáng bên ngoài, phần sản phẩm thường được tập trung quan sát sẽ được đánh giá ở mức độ quan trọng hơn, ví dụ: tủ lạnh, tivi,…
  • Đặc điểm cấu tạo bên trong của sản phẩm làm bằng vật liệu trong suốt có thể được xem xét. Ví dụ: “Chai”, “Lọ nước hoa”.
  • Đặc điểm cấu tạo bên trong không trực tiếp gây ra ấn tượng thẩm mỹ thường ít được coi trọng. Ví dụ: Các nan, mấu nằm ở bên trong các thanh kim loại định hình.
  • Kích thước của KDCN: thay đổi dưới dạng đồng dạng phối cảnh hay các sản phẩm dạng thanh có độ dài không giới hạn, có mặt cắt không đổi thì sự thay đổi về độ dài không được xem là đặc điểm tạo dáng cơ bản.
  • Đối với sản phẩm hai chiều như vải, giấy dán tường,…thì sự thay đổi một cách đáng kể kích thước, khoảng cách các đường trang trí trên đó có thể được xem là đặc điểm tạo dáng cơ bản.
  • Nếu KDCN được tạo ra bằng cách lấy đối xứng từ KDCN đối chứng thì sự khác biệt đó không được xem là đặc điểm tạo dáng cơ bản.
  • Thay đổi vật liệu chế tạo hay thay đổi màu sắc của sản phẩm (đối tượng 3D) thì không được xem là đặc điểm tạo dáng cơ bản (ngoại trừ các đối tượng đặc thù như nhãn sản phẩm, bao gói, hộp khai triển được, đồ sành sứ,…).

3.2. Đánh giá tính sáng tạo của Kiểu dáng công nghiệp

KDCN được coi là không có tính sáng tạo nếu:

  • Là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết (sắp đặt/lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, đổi vị trí, tăng giảm số lượng,…)
  • Là hình sáng sao chép/mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, động vật,…KDCN có hình dáng của các hình học cơ bản đã được biết đến rộng rãi (được áp dụng nếu KDCN không được cách điệu đủ mức, khiến cho KDCN được coi là có hình dáng của các đối tượng tự nhiên ở trạng thái thông thường hoặc có hình dạng là hình học đơn giản).
  • KDCN là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc đã được biết đến rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên thế giới).
  • KDCN mô phỏng KDCN thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến một cách rộng rãi trên thực tế (đồ chơi mô phỏng ô tô, xe máy đã biết).

(Điểm 35.8.b Thông tư 01/2007/TT-BKHCN).

3.3. Đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp của KDCN nêu trong đơn

Kiểu dáng công nghiệp được coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Không có khả năng chế tạo hàng loạt các sản phẩm có hình dáng bên ngoài là đối tượng nêu trong đơn bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp. (Điều 67 Luật SHTT)
  • Đối tượng là hình dáng bên ngoài của sản phẩm có trạng thái không ổn định (sản phẩm ở thể lỏng, thể khí,…).
  • Chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo ra sản phẩm với hình dáng như đối tượng nêu trong đơn.

( Điểm 35.6.b Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN)

3.4. Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Tổng quan về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp 2

3.5. Đánh giá tính thống nhất của đơn

  • Đối với đơn có nhiều phương án thì các phương án phải có cùng một tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản hoặc;
  • KDCN của các sản phẩm trong Bộ sản phẩm phải có cùng một ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, nghĩa là các KDCN của các sản phẩm này phải bao gồm ít nhất một đặc điểm tạo dáng cơ bản được xác định là mới, áp dụng chung cho các sản phẩm có trong Bộ sản phẩm đó.

4. Thời hạn bảo hộ của Kiểu dáng công nghiệp

Bằng độc quyền KDCN là 5 năm (có thể gia hạn 2 lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm)

Thời hạn bảo hộ tổng cộng tối đa là 15-25 năm.

Trong một số trường hợp nhất định, KDCN có thể được bảo hộ theo luật chống cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên sự bảo hộ và các chế tài sẽ khác nhau theo hình thức bảo hộ khác nhau.

HI, MÌNH LÀ ĐẶNG QUỲNH

Hiện tại, mình đang làm việc tại công ty Luật AGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mình rất hứng thú để viết về các chủ đề pháp lý cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống đến các bạn. Trong những năm đại học, mình đã tham gia viết tạp chí, tiểu luận, nghiên cứu khoa học, điều đó rất tuyệt. Và mình sẽ tiếp tục phát triển để đem đến giá trị cho bạn đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *