Điều kiện xác định nhãn hiệu có khả năng phân biệt

Nhãn hiệu có khả năng phân biệt là một yếu tố quyết định rằng một nhãn hiệu đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ có được bảo hộ hay không. Nhãn hiệu, hay còn gọi là logo, tên thương mại là một tài sản sáng tạo, thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc tổ chức. Để tránh hành vi xâm phạm, sao chép gây tổn hại đến chủ sở hữu thì nhãn hiệu đó cần được đăng ký bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ.

dieu kien xac dinh nhan hieu co kha nang phan biet 1
Điều kiện xác định nhãn hiệu có khả năng phân biệt 3

1. Nhãn hiệu có khả năng phân biệt là gì?

Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp được liệt kê tại phần 2 của bài viết này.

2. Dấu hiệu của nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt

a) Hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu. 

– Ký tự thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được, có nghĩa không đọc được, không hiểu được và không nhớ được. Như các chữ không có nguồn gốc chữ latinh: Chữ A Rập, chữ tiếng Nga, chữ Phạn, chữ Hán, chữ Nhật, chữ Hàn, chữ Thái,… trừ trường hợp ký tự thuộc một trong các ngôn ngữ trên đi kèm với các thành phần khác tạo nên tổng thể có khả năng phân biệt hoặc được trình bày dưới dạng đồ hoạ hoặc dạng đặc biệt khác.

dieu kien xac dinh nhan hieu co kha nang phan biet 2
Điều kiện xác định nhãn hiệu có khả năng phân biệt 4

– Mặc dù ký tự có nguồn gốc latinh nhưng dấu hiệu chỉ bao gồm một chữ cái hoặc chỉ bao gồm chữ số hoặc mặc dù có hai chữ cái nhưng không thể đọc được như một từ, kể cả khi có kèm theo chữ số. Trừ trường hợp các dấu hiệu đó được trình bày dưới dạng đồ hoạ hoặc dạng đặc biệt khác.

Ví dụ: BT    AA   DC2

– Một tập hợp quá nhiều chữ cái (kể cả chữ số) hoặc từ ngữ khiến cho không thể nhận biết và ghi nhớ được như một dãy quá nhiều ký tự không thể sắp xếp theo một trật tự, quy luật xác định hoặc một văn bản, một đoạn văn bản. 

Ví dụ: TYBLMN

– Mặc dù là ký tự có nguồn gốc latinh nhưng đó là một từ có nghĩa và nghĩa của từ đó đã được sử dụng quá nhiều và thông dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến mức làm mất khả năng phân biệt. 

Ví dụ: NYLON

– Một từ hoặc một tập hợp từ được sử dụng tại Việt Nam như tên gọi thông thường của chính sản phẩm, dịch vụ liên quan.

Ví dụ: HOTEL  INN   RESORT. (dịch vụ khách sạn, dịch vụ lưu trú)

PERFUME  COSMETIC   (nước hoa, mỹ phẩm)

b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến.

c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

ví dụ: CÔNG NGHỆ ĐỨC, CHẤT LƯỢNG NHẬT BẢN (cho sản phẩm tương ứng với các nội dung này)

d) dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh

Ví dụ: GROUP – Tập đoàn; CO., LTD – Công ty cổ phần

đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.

e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

– Để tra cứu đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước, xem tại: https://dangquynh.com/huong-dan-tra-cuu-nhan-hieu-tren-wipo-publish/ 

– Để tra cứu đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế, xem tại: https://www3.wipo.int/madrid/monitor/en/ 

(Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 10 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định về Quyền ưu tiên)

g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên. 

Như thế nào là một nhãn hiệu đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi và được coi là có khả năng phân biệt?

Để đánh giá một nhãn hiệu có được sử dụng và thừa nhận rộng rãi hay không cần được đánh giá dựa trên các tiêu chí: thời gian bắt đầu sử dụng, phạm vi, mức độ sử dụng hiện nay,… và nhãn hiệu đó được sử dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, quảng cáo, tiếp thị phù hợp với quy định của luật. Và có khả năng phân biệt đối với sản phẩm, dịch vụ liên quan. Để thừa nhận nhãn hiệu có khả năng phân biệt thì nhãn hiệu đó phải được sử dụng liên tục và phổ biến trong thực tế. 

h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá 03 năm.

Trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có  yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực. 

i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.

Đọc nhãn hiệu nổi tiếng tại: https://dangquynh.com/cap-nhat-nhan-hieu-noi-tieng-tai-viet-nam-nam-2023/ 

k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đã được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá.

Đọc chỉ dẫn địa lý tại: https://dangquynh.com/chi-dan-dia-ly-116-chi-dan-dia-ly-duoc-bao-ho-tai-vn/

m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó.

n) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.

3. Tổng kết

Nhãn hiệu có khả năng phân biệt là nhãn hiệu được sáng tạo, không dựa trên copy của bất kỳ nhãn hiệu nào khác đã có trước đó và đảm bảo không rơi vào các trường hợp nêu trên. Cốt lõi của việc đánh giá nhãn hiệu đó có khả năng phân biệt hay không là dựa trên việc nhãn hiệu của bạn có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của chủ sở hữu khác hay không và có ảnh hưởng đến khả năng phân biệt, lựa chọn của người tiêu dùng hay không.

Việc hiểu nguyên tắc đánh giá trên có thể giúp bạn thiết kế một nhãn hiệu chuẩn, giảm khả năng trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu có trước trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ.

Để hiểu thêm về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xem tại: https://dangquynh.com/thu-tuc-dang-ky-nhan-hieu-tai-cuc-so-huu-tri-tue/ 

HI, MÌNH LÀ ĐẶNG QUỲNH

Hiện tại, mình đang làm việc tại công ty Luật AGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mình rất hứng thú để viết về các chủ đề pháp lý cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống đến các bạn. Trong những năm đại học, mình đã tham gia viết tạp chí, tiểu luận, nghiên cứu khoa học, điều đó rất tuyệt. Và mình sẽ tiếp tục phát triển để đem đến giá trị cho bạn đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *