Chỉ dẫn địa lý trong quảng bá đặc sản 2023 – kinh nghiệm quốc tế

Chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng trong quảng bá đặc sản trong nước và quốc tế. Chỉ dẫn địa lý về cơ bản như một thông báo tuyên bố rằng một sản phẩm nào đó bắt nguồn từ một khu vực nào đó. Người dùng dựa vào chỉ dẫn địa lý này có thể xác định được sản phẩm mà mình lựa chọn có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu. Nếu thương hiệu của sản phẩm đủ mạnh mẽ về chất lượng và quy mô thì rõ ràng chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm là cơ sở gia tăng sự uy tín cho khách hàng lựa chọn. 

Trong khoảng thời gian gần đây, chúng ta dễ dàng nghe hoặc thấy tên một đặc sản thường xuyên được nhắc đến, đó là thị trâu gác bếp, một đặc sản Tây Bắc ngon nức tiếng mà bất kỳ ai cũng muốn thử qua. Vậy chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa như thế nào để quảng bá đặc sản Việt Nam đến với người tiêu dùng trong nước và tiêu dùng quốc tế? Và những kinh nghiệm áp dụng hiệu quả hiện nay trong sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ở một số quốc gia là gì?

Bài viết xin chia sẻ đến các bạn để hiểu rõ hơn chỉ dẫn địa lý trong quảng bá sản phẩm cũng như kinh nghiệm quốc tế. 

chi dan dia ly trong quang ba san pham kinh nghiem quoc te 1
Một số chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại Việt Nam

1. Chỉ dẫn địa lý là gì?

1.1. Giới thiệu chỉ dẫn địa lý

Sử dụng chỉ dẫn địa lý là một cách thức chỉ dẫn quan trọng về nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ. Một trong số các mục tiêu của việc sử dụng này là nhằm khuyến khích hoạt động thương mại bằng việc thông tin cho khách hàng nguồn gốc của sản phẩm.

Chỉ dẫn địa lý thường ngụ ý tới một chất lượng xác định, điều mà khách hàng có thể mong chờ. Chúng có thể được sử dụng cho các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp. Sự bảo hộ các chỉ dẫn địa lý dựa trên cơ sở pháp luật quốc gia nhưng cũng có một số điều ước quốc tế hỗ trợ cho việc bảo hộ trên phạm vi một số nước.

1.2. Định nghĩa chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa rộng bao gồm các chỉ dẫn nguồn gốc, tên gọi xuất xứ, và chỉ dẫn địa lý (theo nghĩa hẹp). Công ước Paris hiện nay không sử dụng thuật ngữ chỉ dẫn địa lý mà lại sử dụng chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ.

Sự khác nhau giữa chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ là gì?

– Chỉ dẫn nguồn gốc có nghĩa là dấu hiệu bất kỳ được sử dụng để chỉ dẫn rằng một sản phẩm hoặc dịch vụ có nguồn gốc từ một nước, một khu vực và một địa điểm cụ thể, nơi mà sản phẩm được tạo ra. Ví dụ: Sản xuất tại Nhật Bản (Made in Japan).

– Tên gọi xuất xứ có nghĩa là tên địa lý của một nước, khu vực, địa điểm cụ thể, dùng để chỉ một sản phẩm bắt nguồn từ đó với điều kiện là chất lượng đặc thù của nó hoàn toàn hoặc về cơ bản do môi trường địa lý quyết định, bao gồm các yếu tố về tự nhiên hoặc con người, hoặc cả hai. Ví dụ: Champagne.

Theo nghĩa rộng, chỉ dẫn địa lý là một thông báo tuyên bố rằng sản phẩm liên quan có nguồn gốc từ một khu vực địa lý xác định. Các ví dụ được biết đến rộng rãi về chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn địa lý về rượu vang và rượu mạnh. 

Ví dụ, chỉ dẫn địa lý Champagne được sử dụng để chỉ một loại rượu sủi tăm đặc biệt, có nguồn gốc từ vùng Champagne ở nước Pháp. Tương tự, chỉ dẫn địa lý Cognac được sử dụng cho loại rượu mạnh có xuất xứ từ vùng xung quanh thị trấn Cognac của Pháp. Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý cũng được sử dụng cho các sản phẩm khác ngoài rượu vang và rượu mạnh, như thuốc lá từ Cu Ba, hoặc cho pho mát như Roquefort. Chúng cũng được sử dụng cho các sản phẩm công nghiệp, ví dụ như Sheffield cho thép.

2. Bảo hộ thương hiệu đặc sản địa phương gắn liền chỉ dẫn địa lý

Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định đối tượng sở hữu trí tuệ có thể được bảo hộ cho đặc sản địa phương gắn liền địa danh là nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.

– Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

– Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Việc đăng ký bảo hộ trong nước đối với nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý (tên địa danh) sẽ là cơ sở trong quá trình đưa thương hiệu, đặc sản địa phương đến thị trường quốc tế và được bảo hộ thương hiệu tại quốc gia mà thương hiệu đó xuất hiện.

Sự khác nhau giữa “Thương hiệu” và “Nhãn hiệu” là gì?

Trong đời sống xã hội và hoạt động kinh doanh thương mại, thuật ngữ “thương hiệu” được sử dụng phổ biến và rộng rãi. Tuy nhiên thuật ngữ này không được định nghĩa cụ thể trong văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam.

Luật Sở hữu trí tuệ sử dụng khái niệm “nhãn hiệu”. Đây là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức này với hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức khác. Chúng ta thường sử dụng lẫn cùng lúc hai thuật ngữ “thương hiệu” và “nhãn hiệu”. Tuy nhiên về bản chất thì đây là hai thuật ngữ có ý nghĩa khác nhau.

– “Thương hiệu” có rất nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng chung lại đó là tập hợp các dấu hiệu nhận biết, phân biệt và ghi nhớ sản phẩm và/hoặc doanh nghiệp trong ý thức của người dùng. Đó là những cảm nhận về sản phẩm, dịch vụ với các khía cạnh cảm tính và lý tính. “Thương hiệu” là yếu tố vô cùng quan trọng để khẳng định uy tín, danh tiếng, sứ mệnh của sản phẩm và/hoặc doanh nghiệp trên thị trường.

– “Nhãn hiệu” là dấu hiệu mang tính hữu tình. Đây là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xác lập dựa trên cơ sở Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ trong một khoảng thời gian nhất định. Theo quy định hiện nay thì một văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được bảo hộ trong vòng 10 năm và có thể gia hạn mà không hạn chế số lần). Để hiểu rõ hơn về “Nhãn hiệu” là gì thì bạn hãy tham khảo bài viết: https://dangquynh.com/nhan-hieu-la-gi-kien-thuc-co-ban-ve-nhan-hieu/ 

3. Kinh nghiệm áp dụng chỉ dẫn địa lý trong quảng bá đặc sản địa phương ở Châu Âu

chi dan dia ly trong quang ba dac san dia phuong
Một số chỉ dẫn địa lý trong quảng bá đặc sản địa phương ở một số quốc gia

Các quốc gia Châu Âu cực kỳ quan tâm đến hệ thống xây dựng chiến lược quảng bá đặc sản địa phương bền vững và hiệu quả. Họ cho thấy rằng hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một trong những phương thức tuyệt vời để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu uy tín lâu dài và là cách thức đưa hình ảnh sản phẩm ra thị trường quốc tế. 

Các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm là những chủ thể chủ chốt quan trọng nhất trong hệ thống phát triển đặc sản địa phương. Các nhà sản xuất thành lập các tổ chức tập thể đại diện cho quyền lợi của mình dưới nhiều hình thức khác nhau: Hiệp hội, Hợp tác xã, Tập đoàn, Nghiệp đoàn,… với nhiệm vụ chủ động thiết lập và vận hành hệ thống quản lý và phát triển đặc sản địa phương. 

Hệ thống quản lý và phát triển đặc sản địa phương bao gồm toàn bộ các công đoạn: xây dựng cơ chế vận hành; quản lý quy mô sản xuất, kinh doanh; quản lý quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, phân phối sản phẩm; quản lý việc sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm, kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh; phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, kinh doanh chủ động tiến hành các hoạt động nhằm khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ dùng cho đặc sản địa phương, bao gồm: nghiên cứu, xây dựng và triển khai chiến lược tạo lập, phát triển và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm; thiết lập và đa dạng hóa các kênh thương mại, tiếp thị, mở rộng thị trường; nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia hệ thống; tiến hành các hoạt động nghiên cứu – triển khai nhằm ứng dụng các thành tựu khoa học và kết quả nghiên cứu để bảo đảm duy trì và nâng cao chất lượng, kéo dài thời hạn bảo quản, tăng sản lượng sản phẩm.

3.1. Pháp

Pháp là một trong những nước có hệ thống bảo hộ chỉ dẫn nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ và hiệu quả nhất trên thế giới. Trong hệ thống này được tạo nên bởi ba chủ thể: Ủy ban liên ngành, Hiệp hội chuyên ngành và Cơ quan quản lý nhà nước. 

Cơ quan thực hiện hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng và quảng bá đặc sản địa phương là Cơ quan đầu mối INAO (Institut National De L’origine Et De La Qualité).

INAO thống nhất ban hành các biểu tượng chứng nhận để gắn lên từng loại sản phẩm với các tiêu chí, điều kiện cụ thể. Đồng thời, INAO tổ chức triển khai rộng rãi các chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức miễn phí dưới hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp cho cộng đồng để giới thiệu hệ thống bảo hộ chỉ dẫn nguồn gốc của mình. 

Bạn có thể tham khảo các thông tin về đào tạo, phổ biến kiến thức của INAO trên: https://www.inao.gouv.fr/eng/Calendrier-des-formations 

Hiện nay, INAO đang rất chú trọng phối hợp với các tổ chức quốc tế khác như FAO, CIRAD để xây dựng chương trình đào tạo, các chính sách phù hợp cho các nước đang phát triển. Điều này đã giúp cho hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Pháp trở nên phổ biến hơn. 

3.2. Bồ Đào Nha

Trong các quốc gia Châu Âu, Bồ Đào Nha cũng là một quốc gia có hệ thống quản lý và kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đặc sản địa phương mang chỉ dẫn địa lý. 

Các tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương là chủ thể đóng vai trò chủ chốt trong việc triển khai hoạt động xây dựng, quản lý và quảng bá sản phẩm. Các tổ chức này cần đăng ký hoạt động tại Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn và Nghề cá Bồ Đào Nha.

Cũng giống như Pháp và các nước Châu Âu chú trọng vào xây dựng, sử dụng chỉ dẫn địa lý để quảng bá đặc sản địa phương, họ tiến hành hoạt động rất bài bản và có tổ chức. Có hệ thống chuyên nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:

  • Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho sản phẩm;
  • Nâng cao năng lực cho các hệ thống tiêu thụ sản phẩm;
  • Xây dựng chiến lược thương mại hóa, marketing, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế;
  • Nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và kết quả nghiên cứu phục vụ việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng, kéo dài thời hạn bảo quản sản phẩm;

4. Kinh nghiệm áp dụng chỉ dẫn địa lý trong quảng bá đặc sản địa phương ở một số nước Châu Á

4.1. Thái Lan

Chúng ta thường biết đến Thái Lan với rất nhiều đặc sản chất lượng, có tiếng tăm. Điều này chứng minh rằng Thái Lan là một trong những nước ở Châu Á đã và đang triển khai mạnh mẽ và hiệu quả chiến dịch quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài. Một phần lớn hiệu quả trong hoạt động quảng bá đặc sản là nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại và phát triển chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm. 

Bởi Cơ quan Sở hữu trí tuệ Thái Lan (DIP) là đơn vị trực thuộc Bộ Thương mại Thái Lan nên công tác tổ chức, tiến hành các hoạt động chiến dịch diễn ra thuận lợi hơn và với quy mô lớn. 

Tính đến cuối năm 2020, Thái Lan đang là quốc gia có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhiều nhất, 137 chỉ dẫn địa lý thuộc 76 tỉnh/ thành phố. Theo bảng danh sách các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại Việt Nam, cập nhật đến tháng 10/2021 thì có 116 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ.

Chi tiết: https://ipvietnam.gov.vn/chi-dan-dia-ly 

Thường năm DIP tổ chức Hội chợ Chỉ dẫn địa lý (GI Market) để tạo điều kiện cho các địa phương và doanh nghiệp tổ chức giới thiệu, quảng bá đặc sản địa phương của mình. Bên cạnh đó, DIP phối hợp cùng Cục Thương mại quốc tế Thái Lan tổ chức Triển lãm thương mại quốc tế (THAIFEX) để mời các nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan và tham gia các buổi hội thảo, giới thiệu đặc sản địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 

Nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá đặc sản địa phương, Thái Lan đã đầu tư thiết kế, in ấn tem, nhãn, bao bì sản phẩm và hệ thống công cụ quảng bá (tờ rơi, sách, báo, chương trình quảng cáo,…). Các ấn phẩm quảng cáo này đều được biên soạn và phát hành bằng tiếng Anh.

4.2. Indonesia

Indonesia là quốc gia phát triển trong xuất khẩu cà phê đứng thứ 4 thế giới, Indonesia tập trung triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hoạt động quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài thông qua việc thiết lập và phát triển hệ thống chỉ dẫn địa lý. Đây là quốc gia đã làm rất tốt trong việc xây dựng hình ảnh và các chiến dịch quảng bá sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài thông qua các hoạt động: tổ chức hội chợ, triển lãm, sự kiện truyền thông xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xuất bản các ấn phẩm truyền thông, quảng bá sản phẩm.

Đặc biệt, Indonesia đặc biệt quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các thị trường lớn có nhập khẩu cà phê như Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc,…

5. Tổng kết

Chỉ dẫn địa lý trong quảng bá đặc sản địa phương có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và giá trị kinh tế, văn hóa của từng vùng miền của các nước nói riêng. Chỉ dẫn địa lý giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm mà họ lựa chọn. Nếu một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo pháp luật và được công bố thì nó sẽ gia tăng giá trị uy tín của thương hiệu và trở thành đối tượng được đầu tư, quan tâm hơn của cơ quan nhà nước, các tổ chức về chỉ dẫn địa lý và các doanh nghiệp, nhà sản xuất.

Bài viết đã chia sẻ cái nhìn tổng quan về chỉ dẫn địa lý, ý nghĩa của chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản địa phương và kinh nghiệm có thể tham khảo ở một số quốc gia. Nếu bạn muốn hiểu hơn về thị trường quốc tế về quảng bá đặc sản địa phương thì có thể tìm đọc tại trang web của Tổ chức Mạng lưới quốc tế về chỉ dẫn địa lý (OriGIn):  https://www.origin-gi.com/

HI, MÌNH LÀ ĐẶNG QUỲNH

Hiện tại, mình đang làm việc tại công ty Luật AGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mình rất hứng thú để viết về các chủ đề pháp lý cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống đến các bạn. Trong những năm đại học, mình đã tham gia viết tạp chí, tiểu luận, nghiên cứu khoa học, điều đó rất tuyệt. Và mình sẽ tiếp tục phát triển để đem đến giá trị cho bạn đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *