Tìm kiếm
Close this search box.

Cách sử dụng Bảng phân loại Ni-Xơ phiên bản 12-2023

Bảng phân loại Ni-xơ đơn giản là bảng phân loại hàng hóa và dịch vụ. Nếu bạn đang nghĩ rằng chỉ cần logo, hay nói cách khác mà mẫu nhãn hiệu đã đủ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì đó là suy nghĩ chưa đúng. Mỗi nhãn hiệu cần đi kèm với danh mục hàng hóa, dịch vụ cụ thể, bởi bạn chỉ có thể sử dụng nhãn hiệu của mình trong những hoạt động kinh doanh, dịch vụ cụ thể.

Bản phân loại hàng hóa và dịch vụ (Phân loại Ni-xơ) là một bảng phân loại quốc tế chứ nó không được tạo ra bởi một quốc gia và chỉ được sử dụng trong một quốc gia. Dù bạn đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam hay ở bất kỳ một nước nào khác thì cũng sẽ sử dụng một bảng phân loại duy nhất.

Bảng phân loại Ni-xơ được xây dựng theo Thỏa ước Ni-xơ vào năm 1957 và được một Hội đồng chuyên gia của Ủy ban Ni-xơ tiến hành sửa đổi thường kỳ. Hiện nay, tất cả mọi người đang sử dụng bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ Ni-xơ phiên bản 12-2023 (áp dụng từ 01/01/2023)

huong dan sd ban phan loai nixo 1
Hướng dẫn sử dụng Bảng phân loại Ni-xơ

1. Hướng dẫn sử dụng bảng phân loại hàng hóa và dịch vụ

Bảng phân loại hàng hóa và dịch vụ (Bảng phân loại Ni-xơ) được sử dụng để phân loại hàng hóa và dịch vụ trong việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam cũng như quốc tế. Trước khi tra cứu nhãn hiệu, nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần xác định danh mục hàng hóa và/hoặc dịch vụ đăng ký cho nhãn hiệu dựa trên bảng phân loại Ni-xơ. Bảng phân loại này đang được cập nhật trên trang chính thống của Cục Sở hữu trí tuệ.

Bảng phân loại Ni-xơ: https://ipvietnam.gov.vn/documents/20182/1425331/%28IPVIETNAM+PORTAL%29+NICE+CLASS+version+12-2023.pdf/fbcb4fc5-487e-468c-a291-63450e79254d

Bảng phân loại Ni-xơ được chia làm 3 phần:

– Lưu ý chung đối với hàng hóa và dịch vụ;

– Mục lục;

– Bảng chi tiết:

+ Nhóm 1- Nhóm 34: hàng hóa

+ Nhóm 35- Nhóm 45: dịch vụ

Những phần tiếp theo của bài viết sẽ làm rõ từng phần trong bảng phân loại Ni-xơ cho bạn nhé!

2. Phần lưu ý chung của Bảng phân loại Ni-xơ

2.1. Cách sử dụng phần bảng chi tiết

Trong từng nhóm hàng hóa/dịch vụ của bảng chi tiết sẽ được chia làm 2 phần.

– Phần đầu tiên là các chỉ dẫn về hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm chỉ dẫn chung liên quan đến các lĩnh vực trong đó, về nguyên tắc, hàng hóa hoặc dịch vụ thuộc về.

– Phần thứ hai là danh sách chi tiết, phân loại chính xác từng hàng hóa hoặc dịch vụ riêng lẻ.

2.2. Các lưu ý về hàng hóa

Tiêu chí được áp dụng khi sản phẩm của bạn không được tìm thấy trong bảng phân loại với sự hỗ trợ của danh sách chi tiết của các nhóm:

  1. Về nguyên tắc, thành phẩm được phân loại theo chức năng hoặc mục đích của nó. Nếu chức năng hoặc mục đích của thành phẩm không được đề cập trong bất kỳ tiêu đề nhóm nào, thì thành phẩm đó được phân loại tương tự với các thành phẩm tương đương khác, được chỉ ra trong Danh sách chi tiết. Nếu không có tiêu chí nào được tìm thấy, các tiêu chí phụ khác, chẳng hạn như tiêu chí của vật liệu tạo ra sản phẩm hoặc phương thức hoạt động của nó, sẽ được áp dụng.
  2. Thành phẩm là một vật thể đa chức năng (ví dụ, đồng hồ kết hợp radio) có thể được phân loại trong tất cả các nhóm tương ứng với bất kỳ chức năng hoặc mục đích dự kiến nào của nó. Tuy nhiên nếu một hàng hóa có mục đích chính thì nó nên được phân loại vào nhóm tương ứng với mục đích chính. Nếu các chức năng hoặc mục đích đó không được đề cập trong bất kỳ tiêu đề nhóm nào, các tiêu chí khác, được chỉ ra ở mục (a) ở trên, sẽ được áp dụng.
  3. Nguyên liệu thô, chưa gia công hoặc bán gia công, về nguyên tắc được phân loại theo vật liệu của nó.
  4. Về nguyên tắc, hàng hoá nhằm tạo thành một bộ phận của sản phẩm khác được xếp vào cùng loại với sản phẩm đó chỉ trong trường hợp hàng hoá cùng loại thông thường không thể được sử dụng cho mục đích khác. Trong tất cả các trường hợp khác, tiêu chí nêu ở (a) ở trên sẽ được áp dụng.
  5. Khi một sản phẩm, dù là thành phẩm hay chưa, được phân loại theo vật liệu làm ra nó và được làm bằng các vật liệu khác nhau, thì về nguyên tắc, sản phẩm được phân loại theo vật liệu chiếm ưu thế.
  6. Về nguyên tắc, các vỏ bọc thích hợp cho sản phẩm được phân loại cùng loại với sản phẩm đó.

2.3. Các lưu ý về dịch vụ

Nếu một dịch vụ không thể được tìm thấy trong bảng phân loại với sự hỗ trợ của danh sách các nhóm thì tiêu chí để áp dụng như sau:

  1. Về nguyên tắc, các dịch vụ được phân loại theo các nhánh hoạt động được chỉ ra trong tiêu đề của các nhóm dịch vụ và trong Chú thích của chúng hoặc, nếu không được chỉ ra, thì tương tự với các dịch vụ tương đương khác được chỉ ra trong Danh sách chi tiết.
  2. Về nguyên tắc, các dịch vụ cho thuê được phân loại cùng nhóm với các dịch vụ được cung cấp bởi các phương tiện của đối tượng được thuê (ví dụ cho thuê điện thoại, thuộc nhóm 38). Dịch vụ cho thuê dài hạn (leasing services) tương tự như dịch vụ cho thuê ngắn hạn (rental services) và do đó nên được phân loại theo cùng một cách. Tuy nhiên, thuê mua tài chính được phân loại trong nhóm 36 như một dịch vụ tài chính.
  3. Về nguyên tắc, các dịch vụ cung cấp lời khuyên, thông tin hoặc tham vấn được phân loại cùng nhóm với các dịch vụ tương ứng với đối tượng của lời khuyên, thông tin hoặc tham vấn, ví dụ tư vấn vận tải (Nhóm 39), tư vấn quản lý kinh doanh (Nhóm 35), tư vấn tài chính (Nhóm 36), tư vấn làm đẹp (Nhóm 44). Việc cung cấp lời khuyên, thông tin hoặc tư vấn bằng các phương tiện điện tử (ví dụ điện thoại, máy tính) không ảnh hưởng đến việc phân loại các dịch vụ này.
  4. Về nguyên tắc, các dịch vụ được cung cấp trong khuôn khổ nhượng quyền thương mại được phân loại cùng nhóm với các dịch vụ cụ thể do bên nhượng quyền cung cấp (ví dụ tư vấn kinh doanh liên quan đến nhượng quyền (Nhóm 35), dịch vụ tài chính liên quan đến nhượng quyền (Nhóm 36), dịch vụ pháp lý liên quan đến nhượng quyền thương mại (Nhóm 45)).

3. Mục lục của Bảng phân loại Ni-xơ

Mục lục được chia làm bốn cột theo danh sách nhóm hàng hóa/dịch vụ từ trên xuống dưới. Lần lượt từ trái qua phải là “Loại”, “Nhóm”, “Tên nhóm tiếng Việt”, “Tên nhóm tiếng anh”. Thông tin trong phần mục lục là thông tin chung, sản phẩm nổi bật của từng nhóm hàng hóa/dịch vụ.

Ví dụ,

“Nhóm 30: Cà phê, chè, ca cao và các sản phẩm thay thế chúng; Gạo, mì sợi và mì ống; Bột sắn và bột cọ; Bột và chế phẩm làm từ ngũ cốc; Bánh mì, bánh ngọt và bánh kẹo; Sô cô la; Kem, kem trái cây và các loại đá lạnh khác ăn được; Đường, mật ong, nước mật đường; Men, bột nở; Muối, gia vị, thảo mộc đã bảo quản; Dấm, nước xốt và các loại gia vị khác; Kem (nước đông lạnh).”

4. Bảng chi tiết của Bảng phân loại Ni-xơ

Hiện nay, Bảng phân loại Ni-xơ chia làm hai đối tượng là hàng hóa và dịch vụ. Hàng hóa là danh sách các sản phẩm thuộc từ nhóm 01 đến nhóm 34. Dịch vụ là danh sách thuộc nhóm 35 đến nhóm 45.  

Trong từng bảng chi tiết sẽ có liệt kê danh sách sản phẩm/dịch vụ nổi trội của từng nhóm và chú thích chung, chú thích đặc biệt. Điều này giúp người dùng xác định dễ dàng phạm vi lựa chọn phù hợp với nhu cầu đăng ký của mình. Trong trường hợp bạn không tìm thấy sản phẩm hay dịch vụ của mình trong bảng phân loại ni-xơ chi tiết thì chú thích chung sẽ giúp bạn hiểu sản phẩm/dịch vụ phù hợp, tương ứng với nhóm hàng hóa/dịch vụ nào nhất.

Đọc thêm thủ tục đăng ký nhãn hiệu: https://dangquynh.com/thu-tuc-dang-ky-nhan-hieu/

bang phan loai nixo 1
Hướng dẫn sử dụng Bảng phân loại Ni-xơ (1)

Nếu như bạn chuẩn bị nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và cần xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ của mình thì bạn lựa chọn xem cột tên hàng hóa/dịch vụ bằng tiếng Việt trong bảng danh sách sản phẩm/dịch vụ chi tiết.

Nếu như bạn chuẩn bị nộp đơn quốc tế và đã có đơn đăng ký hoặc nhãn hiệu được bảo hộ trong nước Việt Nam làm đơn cơ sở thì bạn sử dụng cột tên hàng hóa/dịch vụ bằng tiếng Anh để dịch tên chuẩn tương ứng.

Để thu hẹp phạm vi tìm kiếm hàng hóa/dịch vụ tương ứng thì bạn có thể ấn “Ctrl F” để tìm kiếm từ khóa nhé.

5. Tổng kết

Bảng phân loại Ni-xơ có vai trò vô cùng quan trọng trong thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Bảng phân loại không chỉ giúp người nộp đơn xác định danh mục hàng hóa/dịch vụ của mình mà còn là cơ sở để Thẩm định viên của Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá, thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu.

Bài viết đã chia sẻ thông tin cơ bản của Bảng phân loại Ni-xơ giúp bạn dễ dàng sử dụng bảng phân loại và áp dụng vào nhu cầu tra cứu và nộp đơn đăng ký của mình. Nếu bạn cần hỗ trợ xây dựng danh mục sản phẩm/dịch vụ chuẩn cho nhãn hiệu thì hãy liên hệ mình, mình sẽ hỗ trợ bạn.

HI, MÌNH LÀ ĐẶNG QUỲNH

Hiện tại, mình đang làm việc tại công ty Luật AGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mình rất hứng thú để viết về các chủ đề pháp lý cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống đến các bạn. Trong những năm đại học, mình đã tham gia viết tạp chí, tiểu luận, nghiên cứu khoa học, điều đó rất tuyệt. Và mình sẽ tiếp tục phát triển để đem đến giá trị cho bạn đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *