Hàng hoá giả mạo và hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ đã và đang xuất hiện rất nhiều xong thị trường kinh doanh. Vấn nạn này không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu hàng hoá đó mà còn ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người tiêu dùng. Hàng hoá giả mạo và hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ là hai định nghĩa khác nhau, và được quy định với các chế tài xử lý khác nhau.
Bài viết chia sẻ đến bạn những tiêu chí so sánh giữa hàng hoá giả mạo và hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ
Mục lục
Toggle1. Phạm vi đối tượng
Căn cứ Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ quy định hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý, cụ thể:
“Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức chỉ dẫn địa lý.
Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.”
Đọc tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Luat-So-huu-tri-tue-2005-50-2005-QH11-7022.aspx
Căn cứ Điều 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính Phủ, hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ là các hàng hoá xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, giống cây trồng.
Như vậy, đối tượng của hàng hoá giả mạo sẽ có phạm vi hẹp hơn rất nhiều so với hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ. Nếu đối tượng của hàng hoá giả mạo chỉ bao gồm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan thì đối tượng của hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ bao gồm tất cả các đối tượng SHTT như đã nêu trên.
Tất cả đối tượng của hàng hoá giả mạo về SHTT đều có thể trở thành đối tượng của hàng hoá xâm phạm quyền SHTT nhưng không phải đối tượng của hàng hoá xâm phạm quyền SHTT nào cũng có thể trở thành đối tượng của hàng hoá giả mạo về SHTT.
2. Mức độ xâm phạm
Hàng hóa giả mạo và hàng hoá xâm phạm quyền SHTT đều xâm phạm đến quyền SHTT nhưng xét về tính chất và mức độ xâm phạm thì chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về SHTT thường nguy hiểm và nghiêm trọng hơn bởi các lý do sau đây:
- Lỗi của chủ thể thực hiện hành vi: Đối với trường hợp hàng hoá giả mạo về SHTT, chủ thể thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Điều này được hiểu là luôn luôn vì khi họ thực hiện hành vi xâm phạm, họ chắc chắn hiểu rõ đối tượng SHTT mà họ xâm phạm thuộc quyền sở hữu và định đoạt của chủ thể khác nhưng họ cố tình thực hiện hành vi nhằm mục đích trục lợi.
- Hành vi xâm phạm này được thực hiện bằng việc sao chép lậu các đối tượng đang được bảo hộ và thông qua đó cố ý sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với người tiêu dùng, Hoặc chỉ dẫn địa lý sai lệch khiến người tiêu dùng hiểu không đúng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ lựa chọn.
Trong khi đó, chủ thể thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh loại hàng hoá xâm phạm quyền SHTT có thể thực hiện vì lỗi cố ý hoặc vô ý. Ví dụ, trong thị trường dược phẩm đã có thuốc giảm đau, hạ sốt “Panadol” của Công ty Sanofi nhưng một chủ thể muốn đặt tên cho sản phẩm thuốc của mình là “Hanadol” và tin rằng tên nhãn hiệu này không trùng với “Panado” và không xâm phạm với quyền lợi của Công ty Sanofi. Nhưng cơ quan có thẩm quyền giám định và kết luận rằng “Hapadol” có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ.
3. Mức độ gây thiệt hại
Chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm bằng hàng hoá giả mạo luôn có lỗi cố ý nên mức độ gây thiệt hại của hành vi cho chủ thể quyền SHTT và xã hội, người tiêu dùng cao hơn so với hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Bởi tính chất và mức độ vi phạm của hai loại hành vi này khác nhau nên sẽ có những chế tài áp dụng khác nhau.
4. Quy định về hình phạt và chế tài áp dụng
Hàng hoá giả mạo về SHTT
Tuỳ theo mức độ vi phạm, chủ thể thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán, phân phối mà có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 214 Luật SHTT quy định các hình thức xử phạt hành chính như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ;
b) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.”
Và Điều 225, 226 Bộ luật hình sự quy định xử lý hình sự đối với tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Hàng hoá xâm phạm quyền SHTT
Đối với chủ thể thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán, phân phối hàng hoá xâm phạm quyền SHTT thì chủ thể chủ yếu bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc dân sự, rất hiếm trường hợp áp dụng biện pháp hình sự.
5. Tổng kết
Hàng hoá giả mạo và hàng hoá xâm phạm SHTT thường mang tính lừa dối khách hàng, chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến lợi ích của chủ sở hữu hợp pháp, người tiêu dùng và xã hội. Do đó, việc hiểu rõ hai khái niệm trên và hiểu biết về tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ một phần nào giúp thị trường phát triển sạch và lành mạnh hơn, đảm bảo mang đến khách hàng hàng hoá, dịch vụ trung thực, chất lượng, đảm bảo quyền lợi ích của chúng ta.
Hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục SHTT: https://dangquynh.com/thu-tuc-dang-ky-nhan-hieu-tai-cuc-so-huu-tri-tue/