Luật cạnh tranh không lành mạnh thường được nhắc đến như một trong các cách thức để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nhưng thực tế đang có rất nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang bóp méo sự vận hành tự do của sở hữu trí tuệ và hệ thống lợi ích mà sở hữu trí tuệ mang lại. Bài viết sẽ giải thích các loại hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh cùng với các nghĩa vụ mà thường các nước phải thi hành, nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Mục lục
Toggle1. Cạnh tranh không lành mạnh là gì?
Điều 10bis (2) Công ước Paris định nghĩa hành vi cạnh tranh không lành mạnh là “bất kỳ hành vi cạnh tranh nào trái với tập quán trung thực trong công nghiệp và thương mại”.
Các hành vi phải bị ngăn cấm được cụ thể hóa như sau:
(1) “Tất cả các hành vi có khả năng gây nhầm lẫn dưới bất kỳ hình thức nào đối với cơ sở, hàng hóa, hoặc hoạt động công nghiệp hoặc thương mại của một bên cạnh trạnh;
(2) Những khẳng định sai lệch trong hoạt động thương mại có khả năng làm mất uy tín đối với cơ sở, hàng hóa, hoặc hoạt động công nghiệp hoặc thương mại của một bên cạnh tranh.
(3) Những chỉ dẫn hoặc khẳng định mà việc sử dụng chúng trong hoạt động thương mại có thể gây nhầm lẫn cho công chúng về bản chất, phương pháp sản xuất, tính chất, mục đích sử dụng hoặc số lượng của hàng hóa.”
Dĩ nhiên, khái niệm trung thực khó có định nghĩa chính xác và cần phải được xác định theo luật quốc gia của mỗi nước. Các luật quốc gia này thiết lập môi trường thương mại và pháp lý đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và nhờ đó hoàn thiện việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ.
2. Nhu cầu bảo hộ
Thực tế cho thấy rằng có rất ít hi vọng để có thể đạt được sự cạnh tranh lành mạnh nếu chỉ dựa vào hoạt động tự do của các lực lượng tham gia thị trường.
Về lý thuyết, người tiêu dùng với vai trò là trọng tài trong cuộc chơi kinh tế có thể cản trở các doanh nghiệp không trung thực bằng cách tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp này và ưa chuộng hàng hóa hoặc dịch vụ của những người cạnh tranh trung thực. Tuy nhiên, vì tình hình kinh tế trở nên phức tạp hơn, người tiêu dùng khó có thể hành động như trọng tài, họ thậm chí không có được vị thế để có thể tự phát hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chứ chưa nói gì đến việc phản ứng lại các hành vi đó.
Cuộc chơi công bằng trên thị trường không thể được bảo đảm chỉ nhờ việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. Một loạt các hành vi không lành mạnh, như quảng cáo gây nhầm lẫn và vi phạm bí mật kinh doanh thường không được giải quyết bởi các luật chuyên ngành về sở hữu công nghiệp. Do đó, luật cạnh tranh không lành mạnh là cần thiết vừa để bổ sung cho pháp luật về sở hữu công nghiệp vừa đưa ra một loại đối tượng bảo hộ không được quy định trong các luật trên.
Luật pháp về cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến luật pháp về chống lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường như thế nào?
Các quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh và những quy định về chống các hoạt động kinh doanh hạn chế (luật chống độc quyền) có tầm quan trọng ngang nhau và bổ sung cho nhau. Cả hai nhằm mục đích đảm bảo sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, những quy định này điều chỉnh theo các cách khác nhau.
(1) Luật chống độc quyền liên quan đến việc duy trì sự tự do cạnh tranh bằng cách chống lại các rào cản thương mại và việc lạm dụng quyền lực về kinh tế.
(2) Luật cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc bảo đảm tính lành mạnh trong cạnh tranh bằng cách buộc tất cả các bên tham gia đều phải tuân thủ các nguyên tắc chung.
Tham khảo thêm: https://dangquynh.com/so-huu-tri-tue-la-gi/
3. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các hành vi trái với “các tập quán thương mại trung thực”, “thiện chí”,…không tạo thành các tiêu chuẩn đối xử được chấp nhận phổ biến và rộng rãi. Điều này có nghĩa thuật ngữ đang được sử dụng không cố định.
Tiêu chuẩn về “sự lành mạnh” hoặc “trung thực” trong cạnh tranh đơn thuần là sự phản ánh các khái niệm về mặt xã hội, kinh tế, đạo đức và tinh thần của một cộng đồng xã hội và do đó chúng sẽ có nghĩa khác nhau giữa các quốc gia, và đôi khi ngay cả trong một quốc gia. Tiêu chuẩn đó cũng có khả năng bị thay đổi theo thời gian.
Ngoài ra, luôn luôn nảy sinh những hành vi cạnh tranh không lành mạnh mới vì tính sáng tạo trong cạnh tranh là không bị hạn chế.
Các hành vi đáng chú ý nhất trong cạnh tranh không lành mạnh là gây nhầm lẫn, làm mất uy tín và sử dụng các chỉ dẫn sai lệch.
Một ví dụ điển hình nhất là nỗ lực (của một doanh nghiệp) nhằm đạt được thành công trong cạnh tranh nhưng lại không dựa trên những thành quả đạt được được về chất lượng và giá của sản phẩm và dịch vụ của chính doanh nghiệp mà lại lợi dụng thành quả của người khác hoặc tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng bằng những tuyên bố không trung thực hoặc sai lệch.
Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất để xác định “tính lành mạnh” trên thị trường xuất phát từ mục đích của luật cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay, luật cạnh tranh không lành mạnh thực hiện đồng thời đối với ba mục tiêu, đó là: bảo vệ những người cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm cạnh tranh vì mục đích cộng đồng nói chung.
4. Các loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Sau đây là những loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến nhất:
– Gây nhầm lẫn
– Chỉ dẫn sai lệch
– Làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh
– Tiết lộ thông tin bí mật
– Lợi dụng thành quả của người khác
– Quảng cáo so sánh
4.1. Gây nhầm lẫn
Công ước Paris (Điều 10bis (3)) yêu cầu các quốc gia thành viên ngăn cấm tất cả các hành vi “có khả năng gây nhầm lẫn dưới bất kỳ hình thức nào đối với cơ sở, hàng hóa hoặc hoạt động công nghiệp hoặc thương mại của đối thủ cạnh tranh”. Phạm vi điều này rất rộng, bao hàm bất kỳ hành động nào trong hoạt động thương mại liên quan đến nhãn nhãn hiệu, dấu hiệu, nhãn sản phẩm, khẩu hiệu, bao gói, hình dạng hoặc màu sắc của hàng hóa hoặc bất kỳ dấu hiệu phân biệt nào khác mà người kinh doanh sử dụng.
Do đó, không chỉ các dấu hiệu được sử dụng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ hoặc doanh nghiệp mà cả hình thức bên ngoài của hàng hóa hoặc phong cách cung cấp dịch vụ cũng được xem là có liên quan đến khả năng gây nhầm lẫn.
Có hai loại nhầm lẫn chính thường xuyên xảy ra: chỉ dẫn về nguồn gốc thương mại và hình thức thể hiện bên ngoài của hàng hóa. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản hoặc hạn chế việc bảo hộ những thuộc tính hoặc các thành quả khác chống lại việc gây nhầm lẫn.
4.2. Chỉ dẫn sai lệch
Chỉ dẫn sai lệch có thể được định nghĩa sơ bộ là việc tạo ra ấn tượng sai về sản phẩm hoặc dịch vụ của một đối thủ cạnh tranh. Đây là dạng riêng lẻ phổ biến nhất của cạnh tranh không lành mạnh và không vô hại chút nào. Trái lại, chỉ dẫn sai lệch có thể gây ra những hậu quả khá nghiêm trọng: người tiêu dùng dựa trên những thông tin sai lệch có thể bị tổn hại về tài chính (hoặc các thiệt hại khác). Người cạnh tranh trung thực thì bị mất khách hàng, sự minh bạch của thị trường bị giảm sút với các hậu quả bất lợi cho nền kinh tế nói chung và sự thịnh vượng về kinh tế.
4.3. Làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh
Làm mất uy tín (hoặc làm mất thể diện) thường được định nghĩa là bất kỳ viện dẫn sai lệch nào về một đối thủ cạnh tranh mà có khả năng làm tổn hại đến uy tín thương mại của đối thủ cạnh tranh đó. Thường thì làm mất uy tín bao gồm việc tấn công trực tiếp vào một thương gia cụ thể hoặc một nhóm các thương gia cụ thể và dẫn đến hậu quả là: vì thông tin về đối thủ cạnh tranh hoặc nhóm sản phẩm của họ là không chính xác nên người tiêu dùng cũng bị chịu ảnh hưởng.
Ở một số nước, một lời bình luận trung thực về một đối thủ cạnh tranh có thể bị coi là cạnh tranh không lành mạnh nếu “việc công kích” đó bị thổi phồng quá mức hoặc sử dụng những từ ngữ gây tổn hại không cần thiết. Trong khi đó, một số nước khác lại giới hạn một cách rõ ràng khái niệm về làm mất uy tín ở các tuyên bố không chính xác hoặc ít nhất là mang tính chỉ dẫn sai lệch. Sự khác nhau về quan điểm này là do sự khác biệt trong việc đánh giá về “uy tín thương mại”.
4.4. Tiết lộ thông tin bí mật
Sức mạnh cạnh tranh thương mại đáng kể của một doanh nghiệp có thể là nhờ có các thông tin được phát triển và tích lũy bởi doanh nghiệp hoặc các cá nhân trong doanh nghiệp đó.
Ví dụ, danh sách khách hàng và khách hàng tiềm năng có thể mang lại cho công ty đó lợi thế hơn công ty cạnh tranh không có danh sách với chất lượng tốt như vậy.
Một ví dụ khác có thể là một doanh nghiệp đã phát triển một quy trình công nghiệp bí mật cho phép bán sản phẩm có chất lượng tốt hơn hoặc rẻ hơn.
Trong hiệp định TRIPS năm 1994, việc tiết lộ thông tin bí mật đã được xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, theo đó, các thành viên của Tổ chức thương mại thế giới có nghĩa vụ quy định việc bảo hộ “thông tin không được bộc lộ”.
Lý do không sử dụng hình thức bảo hộ độc quyền sáng chế để bảo hộ thông tin bí mật?
Có 03 lý do cho thấy rằng những kỹ thuật và bí quyết trong lĩnh vực công nghiệp và/hoặc thương mại không phải lúc nào cũng có khả năng được bảo hộ theo luật sáng chế.
(1) Bằng độc quyền sáng chế chỉ được cấp cho các sáng chế trong lĩnh vực công nghệ và không cấp cho các kết quả cải tiến liên quan đến điều hành công việc kinh doanh.
(2) Một số phát hiện hoặc thông tin kỹ thuật mang lại lợi thế thương mại có giá trị cho một thương nhân cụ thể nhưng có thể lại thiếu tính mới hoặc trình độ sáng tạo cần thiết để có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế.
(3) Khi đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế đang trong quá trình xử lý thì chừng nào thông tin chưa được bộ lộ công khai, chủ sở hữu thông tin sẽ được cấp bằng độc quyền (thông tin trong đơn) phải được bảo vệ chống lại việc bộc lộ thông tin trái phép của những người khác, bất kể cuối cùng đơn đó có được chấp nhận cấp bằng độc quyền sáng chế hay không.
4.5. Lợi dụng thành quả của người khác
Khái niệm “lợi dụng thành quả của người khác” có nhiều điểm chung với khái niệm gây nhầm lẫn và chỉ dẫn sai lệch. Nó có thể được định nghĩa như một hình thức cạnh tranh rộng nhất là hành vi giả mạo.
Tuy nhiên, theo các nguyên tắc của thị trường tự do, việc khai thác hoặc “chiếm đoạt thành quả của người khác chỉ bị coi là không lành mạnh trong một số trường hợp cụ thể. Trong đó có hành vi làm giảm giá trị và đặc tính phân biệt của nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh.
4.6. Quảng cáo so sánh
Quảng cáo so sánh có thể thuộc hai dạng:
– Đối chiếu một cách tích cực với sản phẩm của người khác (tuyên bố rằng sản phẩm của họ tốt như sản phẩm của người khác), hoặc
– Đối chiếu một cách tiêu cực (tuyên bố rằng sản phẩm của họ tốt hơn sản phẩm của người khác)
Tuy nhiên, cả hai dạng so sánh trên đều liên quan đến việc đối chiếu (không được phép) đến một đối thủ cạnh tranh bằng cách nhắc đến tên của đối thủ cạnh tranh hoặc thông qua dấu hiệu khác mà công chúng có thể nhận diện được.
Theo quy tắc “người kinh doanh trung thực có quyền không bị nói đến ngay cả khi lời nói đó là sự thật”, luật pháp của một số quốc gia thậm chí còn cấm tuyệt đối tất cả các hành vi so sánh dẫn đến nhận diện được đối thủ cạnh tranh một cách không cần thiết.
Mặc dù nhiều nước vẫn còn quan điểm khắt khe rằng quảng cáo so sánh là một hoạt động không lành mạnh, trong những năm gần đây thái độ tiêu cực đối với quảng cáo so sánh đã có xu hướng thay đổi. Người ta ngày càng nhận thức được rằng những so sánh trung thực về những thông tin thực tế thích hợp không chỉ làm giảm chi phí tra cứu thông tin của người tiêu dùng mà còn có tác động tích cực đến nền kinh tế nhờ việc thúc đẩy tính minh bạch của thị trường.
Tòa án ở những nước có cách nhìn truyền thống về quảng cáo so sánh là hành vi làm mất uy tín đã dần dần nới lỏng những quy định cấm nghiêm ngặt về tất cả các tuyên bố nhằm nhận diện ra một đối thủ cạnh tranh.
4.7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác
Cạnh tranh không lành mạnh là vấn đề rất rộng và được xử lý khá khác nhau ở các nước khác nhau. Do đó, để lập một danh mục các hành vi cạnh tranh không lành mạnh càng nhiều càng tốt, cung cấp thêm nhiều ví dụ một cách ngắn gọn và việc rất đáng làm.
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác:
– Quảng cáo gây phiền toái (ví dụ, quảng cáo đề cập quá mức đến những mối lo ngại khi đưa sản phẩm ra bán.)
– Sử dụng các chiêu thức xúc tiến bán hàng như quay xổ số, quà, phần thưởng. Những chiêu thức này thường được điều chỉnh nhằm tránh khuyến khích mua quá mức.
– Cản trở các hoạt động thị trường như tiêu hủy vỏ chai nước ngọt có thể tái sử dụng của một đối thủ cạnh tranh.
…
5. Tổng kết
Luật cạnh tranh không lành mạnh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng giúp những người tham gia kinh doanh và người tiêu dùng hiểu được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong công nghiệp và thương mại. Nếu như thương hiệu, sản phẩm sáng tạo của bạn đang có nguy cơ hoặc đang bị xâm phạm bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì luật cạnh tranh không lành mạnh sẽ là công cụ hữu ích bổ sung pháp luật về sở hữu công nghiệp để bảo vệ quyền đang được bảo hộ của bạn.