Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu

Thẩm định nội dung là bước xử lý đơn tốn nhiều thời gian nhất và là cơ sở để Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) ra quyết định thông báo dự định đóng phí cấp văn bằng bảo hộ (VBBH) hay thông báo thẩm định nội dung (dự định từ chối cấp VBBH).

Bài viết trước đã chia sẻ đến bạn các công việc mà thẩm định viên sẽ làm trong giai đoạn thẩm định hình thức. Sau khi nhãn hiệu đăng ký được chấp nhận đơn hợp lệ về hình thức sẽ được chuyển qua thẩm định nội dung. Và hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thẩm định viên sẽ thẩm định nội dung nhãn hiệu như thế nào? Bạn có thể đánh giá trước khả năng thành công của giai đoạn này ngay trước khi nộp đơn hay không?

tham dinh noi dung don dang ky nhan hieu 1
Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu 3

1. Mục đích của thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là gì?

NHẰM đưa ra kết luận về việc dấu hiệu yêu cầu đăng ký nhãn hiệu có đáp ứng hay không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ được quy định tại Điều 72, 73, 74 và 90 Luật Sở hữu trí tuệ và được cụ thể hoá tại Điều 15, 39 Thông tư.

Yếu tố ở đây được hiểu là một bộ phận cấu thành dấu hiệu, có tính độc lập nhất định với các bộ phận còn lại của nhãn hiệu về:

  • Tương quan vị trí; và/hoặc
  • Ý nghĩa; và/hoặc
  • Phong cách thể hiện.

2. Thời hạn thẩm định nội dung

– Thẩm định nội dung đơn quốc gia: 09 tháng

– Thẩm định nội dung đơn quốc tế: 12 tháng kể từ ngày công bố theo công báo của WIPO

Tương tự như thực trạng đề cập tại giai đoạn thẩm định hình thức, thời hạn thực tế xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu trong giai đoạn thẩm định nội dung thường kéo dài hơn thời gian luật định. Bạn cần theo dõi tình hình nhãn hiệu một cách thường xuyên để tránh bỏ qua các thời điểm quan trọng như: trả lời thông báo dự định từ chối của Cục SHTT hoặc đóng phí cấp VBBH đúng hạn.

3. Các bước xử lý đơn trong giai đoạn thẩm định nội dung

Thẩm định viên cần thực hiện 04 công việc sau đây:

  • Đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu
  • Tra cứu tìm tài liệu từ nguồn gốc thông tin tối thiểu
  • Tra cứu xác định nhãn hiệu, dấu hiệu đối chứng
  • Kết luận về khả năng bảo hộ của dấu hiệu, xác định phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu

3.1. Đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu

Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo ra từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ.

Một số ví dụ:

BT AA DC2

BGMHCK – Tập hợp nhiều chữ cái, không thể nhận biết và ghi nhớ, không được sắp xếp theo một trật tự, quy luật xác định

NYLON (vải sợ) – chữ latinh nhưng là một từ có nghĩa và được sử dụng thông dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến mức bị mất khả năng phân biệt

HOTEL INN RESORT (Dịch vụ khách sạn, dịch vụ lưu trú) – những từ được sử dụng tại Việt Nam như tên gọi thông thường của chính sản phẩm/dịch vụ liên quan

CHẤT LƯỢNG NHẬT BẢN – dấu hiệu chữ làm hiểu sai lệch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng,…

3.1. Tra cứu tìm tài liệu từ nguồn gốc thông tin tối thiểu

Thẩm định viên sẽ tiến hành tra cứu các nguồn thông tin tối thiểu sau để tìm căn cứ và lý do có thể từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho một đơn đăng ký:

  • Các nhãn hiệu đối chứng (các nhãn hiệu có dấu hiệu trùng/tương tự đăng ký cho danh mục sản phẩm/dịch vụ trùng/tương tự) có ngày nộp đơn/ngày ưu tiên sớm hơn.
  • Các nhãn hiệu đối chứng đang được bảo hộ, còn hiệu lực tại Việt Nam.
  • Các nhãn hiệu đối chứng đã hết hạn bảo hộ nhưng chưa quá 3 năm. (Trừ trường hợp nhãn hiệu đối chứng đã không được sử dụng trong thời hạn 5 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng. Trong trường hợp này, bạn có quyền làm công văn yêu cầu chấm dứt hiệu lực bảo hộ của nhãn hiệu đối chứng và tiếp tục tiến hành nộp đơn đăng ký đối với nhãn hiệu của bạn)
  • Các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam.
  • Chứa dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc hàng hoá/dịch vụ, tên địa lý, dấu hiệu chất lượng, dấu kiểm tra, quốc kỳ, quốc huy, cờ, tên, biểu tượng của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và thế giới, tên và hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, doanh nhân Việt Nam và nước ngoài.
  • Ngoài ra, khi cần thiết, thẩm định viên tra cứu nguồn thông tin ngoài như kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ, các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn/ngày ưu tiên sớm hơn, tên thương mại,…

3.2. Tra cứu xác định nhãn hiệu, dấu hiệu đối chứng

tham dinh noi dung don dang ky nhan hieu 2
Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu 4

Đây là bước đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu đăng ký với các nhãn hiệu đối chứng tìm được. Mục đích và yêu cầu của tra cứu là để đánh giá, so sánh và kết luận về khả năng phân biệt của nhãn hiệu và tạo cơ sở để thẩm định viên đưa ra quan điểm rằng nhãn hiệu có thể được bảo hộ hay không.

Theo thực tế hiện nay, bên cạnh việc đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu trên các tiêu chí như trong Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu thì còn phụ thuộc vào quan điểm của thẩm định viên. 

Để hạn chế rủi ro bị từ chối bảo hộ trong giai đoạn này thì nhãn hiệu cần thiết nên tra cứu trước khi nộp đơn. Bạn có thể tiến hành tra cứu sơ bộ trên WIPO PUBLISH

Đọc hướng dẫn tra cứu nhãn hiệu tại đây

4. Kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu

Một nhãn hiệu có khả năng được bảo hộ khi có khả năng phân biệt so với các nhãn hiệu đối chứng có trước.

Nếu nhãn hiệu đăng ký có dấu hiệu trùng/tương tự với một/nhiều nhãn hiệu đối chứng khác thì thẩm định viên sẽ ra thông báo dự định từ chối. Trong thông báo của Cục SHTT sẽ nêu rõ lý do từ chối và có đề xuất hướng xử lý nhé!

Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là một bước quan trọng trong quá trình xét duyệt đơn đăng ký nhãn hiệu. Nếu bạn đang có nhu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hãy nắm rõ quy định về thẩm định nội dung đơn, tra cứu nhãn hiệu trước khi quyết định nộp đơn đăng ký và theo dõi tiến trình đơn. Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích về thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu để các doanh nghiệp chủ động trong quá trình bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

HI, MÌNH LÀ ĐẶNG QUỲNH

Hiện tại, mình đang làm việc tại công ty Luật AGL tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mình rất hứng thú để viết về các chủ đề pháp lý cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống đến các bạn. Trong những năm đại học, mình đã tham gia viết tạp chí, tiểu luận, nghiên cứu khoa học, điều đó rất tuyệt. Và mình sẽ tiếp tục phát triển để đem đến giá trị cho bạn đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *