Nắm cơ bản thủ tục xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ sẽ giúp bạn cách thức theo dõi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu như thế nào.
Bài viết trước đã hướng dẫn bạn quy trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng vào chi tiết các bước xử lý đơn của thẩm định viên sau khi tiếp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức.
Mục lục
Toggle1. Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu
Thời hạn thẩm định hình thức:
Tài liệu đầy đủ: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn
Tài liệu chưa đầy đủ (ví dụ: thiếu giấy uỷ quyền): 01 tháng kể từ ngày tiếp nhận tài liệu bổ sung.
Mục đích: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
Các bước công việc của quá trình thẩm định hình thức
1.1. Kiểm tra số lượng các tài liệu bắt buộc phải có trong đơn
Hồ sơ tài liệu cần có bao gồm:
- 02 Tờ khai;
- Mẫu nhãn hiệu (05 mẫu nhãn hiệu kèm theo giống hệt mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đăng ký cả về kích thước và màu sắc);
- Hoá đơn phí/lệ phí (trường hợp nộp đơn đăng ký nhãn hiệu qua đường bưu điện);
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn đăng ký thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp), và giấy uỷ quyền có thể nộp bổ sung sau ngày nộp đơn đăng ký, và thời điểm xác định thời hạn thẩm định hình thức sẽ tính trên thời gian nộp tài liệu bổ sung.
Lưu ý: Thời hạn nộp tài liệu bổ sung là trong khoảng 1 tháng kể từ ngày nộp đơn
- Tài liệu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (trường hợp trước đó nhãn hiệu đăng ký đã được đăng ký quốc tế chỉ định tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam – thời gian không quá 6 tháng trước ngày nộp đơn tại Việt Nam)
- Tài liệu khác (nếu có)
1.2. Kiểm tra dấu hiệu trên nhãn hiệu
Mình đề cập đến trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu chứa yếu tố địa lý. Đây là yếu tố quan trọng để ban đầu xác định loại nhãn hiệu mà bạn muốn đăng ký: thông thường, chứng nhận, tập thể.
Tên địa lý được hiểu là tên lục địa, quốc gia, vùng, miền, địa điểm, biển, hồ, núi, tên hành tinh, vì sao, thiên hà.
Hiện nay, phần nhiều quan điểm của thẩm định viên là nhãn hiệu có chứa tên địa lý, biểu tượng, bản đồ đơn vị hành chính chỉ được chấp thuận làm nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận.
Một số quan điểm cho rằng nếu trên nhãn hiệu đăng ký có chứa tên địa lý/phần hình chỉ nguồn gốc địa lý nhưng không gây nhầm lẫn, có khả năng phân biệt, dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý phù hợp với nguồn gốc thực của sản phẩm/dịch vụ thì vẫn được chấp nhận đăng ký dưới dạng nhãn hiệu thông thường.
Bởi quan điểm chưa thống nhất hoàn toàn giữa các thẩm định viên nên tuỳ thuộc vào quan điểm của họ mà sẽ có kết quả thẩm định khác nhau.
1.3. Kiểm tra hình thức và nội dung tài liệu
Các tiêu chuẩn đánh giá về hình thức sẽ tương tự với hướng dẫn soạn hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Về tiêu chuẩn đánh giá nội dung tài liệu, bài viết sau sẽ thông tin chi tiết đến bạn nhé!
2. Các lý do dẫn đến dự định từ chối về mặt hình thức
Theo danh sách liệt kê trong Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu, có 34 loại thiếu sót ảnh hưởng đến kết quả thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu, cụ thể:
(1) Đơn không đảm bảo tính thống nhất | (18) Giấy uỷ quyền không bao hàm nội dung công việc đang được tiến hành |
(2) Đơn không đáp ứng quy định mỗi đơn chỉ yêu cầu cấp 1 văn bằng bảo hộ và loại văn bằng bảo hộ phải phù hợp đối tượng sở hữu công nghiệp | (19) Giấy uỷ quyền không có bản gốc hoặc chỉ định bản gốc không đúng |
(3) Mọi tài liệu không được trình bày theo quy định tại điểm 7.2.b Thông tư 01/2007/TT-BKHCN | (20) Uỷ quyền không đáp ứng quy định về nội dung và hình thức |
(4) Tài liệu không theo mẫu/ chưa điền đầy đủ thông tin vào vị trí thích hợp | (21) Thiếu tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên |
(5) Tài liệu nhiều trang không được đánh số/đánh số không bằng chữ A Rập | (22) Thiếu tài liệu xác nhận quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác hoặc thoả thuận về quyền đăng ký trong trường hợp quyền đăng ký thuộc nhiều tổ chức, cá nhân. |
(6) Tài liệu không được đánh máy hoặc in bằng loại mực bền màu; tờ khai có dấu hiệu tẩy xoá, sửa chữa hoặc trình bày cẩu thả, không sạch sẽ | (23) Thiếu tài liệu chứng minh tư cách người nộp đơn (nếu cần) |
(7) Không dùng thuật ngữ phổ thông | (24) Thiếu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc quy chế chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung bắt buộc |
(8) Không đáp ứng về số lượng bản tài liệu, mẫu nhãn hiệu | (25) Thiếu tài liệu xác nhận việc cho phép đăng ký và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý và/hoặc tài liệu đó không đáp ứng yêu cầu |
(9) Tờ khai không đầy đủ thông tin/ không thống nhất/ không chính xác | (26) Thiếu tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt (địa danh, danh nhân, cờ, huy hiệu, biểu tượng,…) |
(10) Thiếu mô tả hoặc mô tả chưa đầy đủ | (27) Chưa nộp đủ phí, lệ phí |
(11) Mẫu nhãn hiệu không đáp ứng về kích thước, cách trình bày | (28) Tờ khai không làm bằng ngôn ngữ tiếng Việt |
(12) Sản phẩm/dịch vụ chưa được phân nhóm hoặc phân chưa chính xác | (29) Tờ khai không đủ thông tin người nộp đơn, người đại diện, không có chữ ký và/hoặc con dấu của người nộp đơn hoặc người đại diện. |
(13) Danh mục chưa đáp ứng yêu cầu | (30) Đơn thiếu danh mục hàng hoá, dịch vụ cụ thể |
(14) Tài liệu không có xác nhận sao y của cơ quan có thẩm quyền (nếu cần) | (31) Có cơ sở khẳng định người nộp đơn không có quyền đăng ký |
(15) Không có bản dịch tài liệu uỷ quyền, tài liệu hưởng quyền ưu tiên, tài liệu bổ trợ khác trong trường hợp cần thiết | (32) Đơn nộp trái quy định tại Điều 89 Luật SHTT (người đại diện cho chủ đơn không có thẩm quyền hoặc không đáp ứng điều kiện để trở thành người nộp đơn thay mặt cho chủ đơn |
(16) Bản dịch tài liệu liệu bằng tiếng Việt không phù hợp với bản gốc | (33) Thiếu tài liệu chứng minh năng lực chứng nhận của chủ đơn (trường hợp đăng ký nhãn hiệu chứng nhận) |
(17) Thiếu giấy uỷ quyền hoặc giấy uỷ quyền hết thời hạn | (34) Có cơ sở khẳng định đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được nhà nước bảo hộ theo quy định của Luật SHTT |
3. Kết quả thẩm định hình thức
3.1. Chấp nhận đơn hợp lệ
Trường hợp 1: đơn đăng ký nhãn hiệu không có thiếu sót nào được nêu tại bảng trên thì đơn sẽ được chấp nhận hợp lệ.
Trường hợp 2: đơn đăng ký nhãn hiệu có thiếu sót nhưng người nộp đơn đã sửa chữa, bổ sung đúng hạn và đạt yêu cầu.
Lưu ý: Trong trường hợp nếu có thiếu sót được nêu tại bảng trên nhưng người nộp đơn không thực hiện việc sửa chữa, bổ sung hoặc sửa chữa, bổ sung không đạt yêu cầu thì đơn không được chấp nhận hợp lệ.
Sau khi kết thúc việc thẩm định hình thức, thẩm định viên ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.
3.2. Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ
Khi đơn đăng ký nhãn hiệu có thiếu sót, thẩm định viên sẽ ra Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ. Trong thông báo sẽ nêu rõ lý do, có thể nêu giải pháp khắc phục và ấn định thời hạn trả lời.
Người nộp đơn làm công văn phúc đáp Công văn của Cục Sở hữu trí tuệ theo hai hướng lựa chọn:
(1) đồng ý với ý kiến của Cục và chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp và đúng yêu cầu;
(2) Nêu ý kiến và đưa ra các lý lẽ lập luận.
Thường trong giai đoạn thẩm định hình thức này, bạn nên lựa chọn phương án (1), điều chỉnh, chỉnh sửa đơn theo yêu cầu của Cục để đảm bảo hồ sơ được chấp nhận và bước vào giai đoạn thẩm định nội dung.
3.3. Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ
Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ gửi Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, người nộp đơn:
- Không sửa chữa thiếu sót;
- Sửa chữa không đạt yêu cầu;
- Không có ý kiến phản hồi;
- Phản hồi không xác đáng trong thời hạn ấn định.
Đây là 04 lý do để thẩm định viên đưa ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ
Như vậy, sẽ có 02 bước lớn để xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu: thẩm định hình thức và thẩm định nội dung. Bài viết này đã chia sẻ đến bạn các công việc mà thẩm định viên sẽ làm đối với một đơn đăng ký nhãn hiệu trong giai đoạn hình thức.
Luật Sở hữu trí tuệ: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Luat-So-huu-tri-tue-2005-50-2005-QH11-7022.aspx